Lễ hội ăn trâu của người Cor
Thứ ba, 00:00, 09/07/2019 Hải Huyền bài + 2 ảnh Hải Huyền bài + 2 ảnh
VOV4.VN – Lễ hội ăn trâu của người Cor gọi là xa ố piêu. Đây là lễ hội được người Cor tổ chức trong nhiều ngày với nhiều giai đoạn khác nhau.

Phải cúng con trâu đực

 

Người Cor tổ chức lễ hội ăn trâu khi làm ăn khấm khá, được mùa, mừng nhà mới, hoặc di dời làng đến nơi ở mới. Hay khi làng có nhiều người ốm đau, dịch bệnh. Mục đích cảm tạ thần linh và cầu bình an.


Múa cà đáo trong lễ ăn trâu. Ảnh: Cao Chư

Con trâu trong lễ hội phải là trâu đực thần linh mới chấp nhận. Người Cor quan niệm: trâu đầu lớn, ngắn, có sừng to, và cong là trâu đẹp. Trước khi dắt trâu về, người ta làm lễ cúng rượu ông bà, trời đất. Dắt trâu đến nơi cột trâu, người ta làm lễ đuổi tà ma mới dựng chuồng, nuôi vỗ béo trâu cho đến ngày diễn ra lễ hội.


Trong lễ hội ăn trâu dứt khoát phải có cây nêu. Cây nêu là tâm điểm của lễ hội. Trụ nêu làm bằng cây chò chỉ, khoắc họa hoa văn công phu. Trước khi đi lấy cột nêu chủ lễ phải cúng cáo và rước nêu về nhà phải để trên đôi giá bắt chéo. Tuyệt đối không để cây nêu nằm trên đất và không để ai bước qua.

 

Hát cà lu

 

Lễ hội ăn trâu của người Cor diễn ra nhiều ngày liên tiếp. 

 

Ngày đầu tiên cúng rước ông bà, thần linh, đón nữ thần Mo Huýt về dự. Người chủ lễ cúng từng chiếc chiêng, trống sau đó, các chàng trai chuyền tay nhau đánh làm phép. Ngày thứ hai là ngày cúng dựng nêu và cúng cột trâu vào cây nêu. Từ sáng sớm gia chủ đã phải cúng báo xin phép trong nhà, cúng nơi cột trâu dân làng mới tiến hành lắp ráp nêu. 

 

Xong xuôi, người ta tròng vòng buộc trâu mới dựng nêu. Trước khi cột trâu vào thân nêu, chủ lễ hát cà lu để cúng thần. Cà lu là một loại dân ca nghi lễ của người Cor. Khi hát, người chủ lễ phải ngửa mặt lên trời để tỏ lòng cầu khẩn.


Cây nêu - Trục tâm linh trong lễ hội ăn trâu. Ảnh: Cao Chư

Ăn trâu

 
Ngày thứ ba là ngày chính thức diễn ra lễ ăn trâu. Từ sáng sớm bà con tụ tập tại nhà gia chủ dự lễ hát cà lu, dâng lễ vật tế thần. Sau khi khấn gọi hồn, chủ lễ dùng dao đâm “phép” nhẹ vào con trâu, rứt ít lông trâu bỏ lên đầu mình làm “phép”. Dân làng cũng thực hiện tương tự. Cuối cùng trai làng thực hiện nghi thức đâm trâu.


Khi con trâu ngã quỵ, dân làng thực hiện nghi lễ cúng sống trâu. Đến chiều, tiến hành cúng chín dưới gốc nêu. Cúng xong, chủ lễ mời dân làng ăn “phép” quanh cây nêu. Kết thúc nghi lễ, tất cả các lễ vật đều được dọn, riêng đầu và đuôi trâu vẫn để nguyên trên cây nêu.


Đến ngày thứ 4, người ta tổ chức cúng đầu trâu. Nghi thức này được tiến hành trong nhà chủ lễ. Sau khi cúng trong nhà, chủ lễ ra cột nêu đánh chiêng và hát cà lu trong khi một chàng trai cõng đầu trâu vào nhà hàm ý dâng thần. 


Tiếp theo, chủ lễ cùng dân làng và người cõng đầu trâu đi xung quanh cây nêu, ra chuồng trâu cúng với ý xua trâu về chuồng. Đầu trâu lúc này được cúng sống. Đến chiều, gia chủ và dân làng tiếp tục cúng chín đầu trâu. Lễ vật có 12 món, chia làm 65 phần, cúng quanh chiếc gu (ở giữa nêu) và cột nêu. Họ chấm lá chuối vào rượu làm “phép” rồi tất cả uống rượu, ăn uống.

 

Làm lễ "tiễn hồn"

 
Đến ngày thứ năm, gia chủ làm lễ cho đội chiêng về nhà. Họ sẽ chuẩn bị các lễ vật vào chiếc mủng để đội chiêng mang theo.


Cuối cùng, gia chủ cùng dân làng cúng quanh cây nêu bằng con gà đen để tiễn hồn. Cúng sống trước, cúng chín sau. Cúng chín xong, mỗi người được chia một ít thịt trâu còn lại mang về nhà ăn, coi như chia đều sự may mắn với gia chủ. 


3 – 4 ngày sau, gia chủ lấy chân trâu phơi héo ngoài cây nêu về nấu cháo và chia cho dân làng cùng ăn. Còn cây nêu để ngoài sân, bộ gu sẽ được người ta cất gọn trong nhà, không ai dám động cho đến khi nó mục nát.

 

Thu Cúc/VOV4


Hải Huyền bài + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC