Lễ hội ba ba ở xóm Ba Đình
Thứ ba, 00:00, 26/07/2016

(VOV4) - Người Nùng Phàn Slình ở xóm Ba Đình hàng năm tổ chức lễ hội ba ba. Làng có con suối chảy qua, hàng năm vào mùa nước lên, rất nhiều ba ba ngược dòng đến vùng đất này làm ổ.


Các bậc cao niên kể rằng lễ hội con ba ba của người Nùng Phàn Slình có từ lâu lắm rồi, từ khi các cụ tổ, những người đầu tiên đặt chân đến xóm Ba Đình, xã Tân Long, Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Do làng này có con suối chảy qua, nên hàng năm vào mùa nước lên, rất nhiều con ba ba, hay còn gọi là tu phá, bơi ngược dòng đến vùng đất này làm ổ, đẻ trứng và ấp nở. Chính vì vậy, Tu Phá được đặt tên cho xóm và cho tên lễ hội. Xóm Tu Phá sau này được đổi tên thành xóm Ba Đình, khi người dân tham gia vào HTX, nhưng lễ hội vẫn giữ nguyên tên cũ là lễ hội Tu Phá hay lễ hội con ba ba.

 

Theo thạc sỹ Đàm Thị Tấm,  giảng viên Đại  học Thái Nguyên: "Ở khu vực này có một cánh đồng nơi dân làng cấy lúa hàng năm, tổ chức lễ hội thì tổ chức luôn ở đây. Hàng năm mùa nước lên thì ba ba lên đẻ trứng, người ta coi là nơi đất vượng. Mà trong tâm niệm của người Việt thì con ba ba cũng là con vật quý, nó về đẻ trứng thì đây là vùng đất tốt để sản xuất nông nghiệp".

 

 

Mâm cúng ngoài trời trong ngày hội của người Nùng Phàn Slình. Ảnh:baomoi.com

 

Ngay từ sáng sớm mùng 6 Tết, các thầy cúng và các cụ già mang lễ đến cúng tại ngôi đình của làng. Ngôi đình này thờ Cao Sơn Đại thần - vị thần cai quản núi đồi và vợ vua thủy tề - vị thần nữ cai quản dưới nước. Ngay sát ngôi đình có một am nhỏ gọi là Thổ kỳ, là nơi thờ ông Thổ địa của làng: "3 con gà trống, một đĩa xôi to và 3 chén rượu, dân làng dâng lên 3 vị thần. Người được dâng lễ là người cao tuổi nhất và có uy tín trong làng. Họ cầu xin một năm mới no đủ và hạnh phúc. Tham gia thực hiện các nghi lễ chỉ có thầy cúng và các vị chức sắc trong làng. Đặc biệt là phụ nữ không được phép “bén mảng” đến đình làng. Sau khi phần lễ được thực hiện xong thì phần hội mới được phép khai mạc" - Th.s Tấm nói. 

 

Phần hội có sự tham gia đông đủ của các thành viên trong làng, trong xã và các xã xung quanh. Tung còn, kéo co, múa kỳ lân là những trò chơi truyền thống trong lễ hội của người dân nơi đây. Đội múa kỳ lân trước khi biểu diễn cho nhân dân xem thì phải vào đình chào và múa trong đình, vái lạy thần linh. Có thế thì họ múa mới được suôn sẻ và sẽ mang lại may mắn cho người dân. Mỗi một lễ hội có 1-3 đội múa kỳ lân đến múa và biểu diễn tranh tài, mỗi đội có từ 7-10 người tham gia. Cuộc thi có nhiều tiết mục như tài biểu diễn, vượt chướng ngại vật, đấu vật giữa những người đứng đầu. Phần thưởng cho đội thắng thường là tiền và một bữa rượu no nê. Bữa rượu thịt này do dân làng đãi.

 

Trò thứ hai là trò kéo co - xẻ thỏi. Mỗi làng sẽ cử ra một đội hình mạnh nhất để thi đấu. Trước khi thi, những người tham gia được chia làm hai phe Đông và Tây để kéo lấy lệ, bởi bên Đông bao giờ cũng thắng: “Phe đông bao giờ cũng phải thắng 3 keo liên tiếp, vì phía đông là phía mặt trời mọc biểu tượng cho ánh sáng, cho sự sống và bên Đông thắng thì dân làng năm đó sẽ được mùa” - Th.s Tấm cho biết.

 

Ném còn là trò chơi hấp dẫn nhất đối với nhiều người. Trước ngày hội, người ta dựng một cây mai chưa ra hết lá, cao khoảng 10-15m. Ngọn của cây mai được uốn thành một vòng tròn có đường kính 30-40cm. Vòng tròn đó được gián kín bằng giấy đỏ và vàng. Màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, màu vàng tượng trưng cho mặt trăng. Nam nữ được chia làm hai phe để tung còn. Nếu chàng trai nào ném thủng vòng giấy sẽ được thưởng một bao thuốc và tiền, vì đã đuổi được điềm xấu và đem lại may mắn cho cả làng. Khi vòng còn thủng cũng có nghĩa là lễ hội kết thúc.

 

Đến nay, lễ hội ba ba của đồng bào Nùng Phàn Slình ở xóm Ba Đình có nhiều thay đổi. Trò múa kỳ lân không còn được biểu diễn, phần nào làm giảm không khí vui nhộn. Các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông được ban tổ chức đưa vào lễ hội để các xóm trong vùng so tài với nhau. Bên cạnh các trò chơi truyền thống, nhiều trò chơi mới xuất hiện như chiếc nón kỳ diệu, quay sổ xố hoặc bịt mắt đập niêu.

 

 

 

Việt Phú/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC