Lễ hội qua năm của người Dao đỏ Hà Giang
Thứ ba, 20:47, 08/06/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và ước vọng về một cuộc sống bình an, no đủ, người Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, Hoàng Su Phì, Hà Giang có một lễ hội độc đáo: Lễ hội quý héng hay còn gọi là lễ hội qua năm. Đây cũng chính là lễ hội chia tay năm cũ, đón năm mới của mỗi gia đình người Dao.

Lễ lớn nhất trong năm của người Dao đỏ
Bắt đầu từ ngày 27 tháng Chạp, khắp thôn trên bản dưới người Dao đỏ ở Hồ Thầu, Hoàng Su Phì nhộn nhịp dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ ăn thức uống cho những ngày Tết. Đó cũng chính là thời điểm người Dao đỏ chính thức bước vào lễ qua năm. 

Thầy cúng thực hiện nghi lễ trong lễ hội. Ảnh: baotintuc.vn

Theo truyền thuyết của người Dao đỏ, trong quá trình thiên di, tổ tiên người Dao gặp muôn vàn khó khăn. Nhờ có Bàn Vương – thủy tổ của người Dao che chở nên họ mới vượt qua được sông sâu, vực thẳm, thú dữ… họ mới định cư yên bình ở vùng đất mới. Bởi vậy, hàng năm, sau mùa thu hoạch lúa con cháu người Dao sẽ tổ chức cúng tạ các thế lực siêu nhiên, cúng tạ tổ tiên đã giúp đỡ, phù trợ họ.
Ông Trần Chí Nhân, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang cho hay, người Dao quan niệm: lễ quý héng là lễ lớn nhất trong năm. Trước kia, bắt đầu thường vào khoảng 23 – 25/12 âm lịch và kéo đến hết ngày mùng 5. Tuy nhiên, nay thời gian rút ngắn đi khoảng 27 – 28 cho đến hết ngày mùng 4 – 5. Tất cả thần bếp, thần tổ tiên, cây lúa, chúng sinh, ma ác thì họ cúng tất ở trong một trong ba đàn lễ của lễ quý héng. 
"Lễ quý héng là lễ kết thúc một vụ cấy hái trong một năm, chuẩn bị bước sang năm mới họ sẽ sửa soạn lễ vật để đón Tết này. Và họ cũng quan niệm đây là dịp quan trọng nhất, thuận lợi nhất để tạ ơn tổ tiên cũng như thần linh. Đặc biệt là bàn Vương".
Sau khi sửa soạn tươm tất nhà cửa, chuẩn bị lễ vật, gia chủ sẽ đi đi đón thầy về cúng lễ. Thầy cúng sẽ chọn ra một ngày tốt trước khi diễn ra giao thừa để mời tổ tiên, thần linh về ăn tết. 
Lập đàn tế mời tổ tiên, thần linh về ăn Tết
Buổi sáng ngày làm lễ, thầy cúng cùng gia đình sửa đàn lễ nghiêm trang. Tại gian giữa ngôi nhà, 3 đàn lễ bắt buộc phải bày biện gồm: bứa héng tức đàn cúng tổ tiên, tông tộc; sáng chà phin tức đàn cúng thế giới thần linh, các ma của tổ tiên của nghề thầy cúng; và sám háng tức đàn lễ dành cho các linh hồn của con người khi sống không có nhà cửa, không nơi nương tựa. Và mỗi đàn tế này sẽ có một thầy cúng riêng. Tương đương với 3 đàn tế là 3 thầy cúng.

Nhảy lửa. Ảnh: baotintuc.vn

"Bắt đầu khai hội đón xuân bao giờ cũng phải có 3 đàn lễ này. Bắt buộc phải. Quan niệm của họ là trong thế giới thần, tổ tiên họ mời đến hết trong dịp này. Không bỏ sót một ai. Cho nên người Dao có bài cúng rất dài trong lễ này. Vì họ cúng hết tất cả không bỏ sót một ai. Thậm chí cả những nhân vật mang tính chất truyền thuyết như Ngọc Hoàng, Bàn Vương… trong bài cúng đấy nó giống như gia phả sống. Sau đấy họ còn mời tổ tiên".
Lễ vật dâng cúng là những sản vật nông nghiệp được chính các gia đình người Dao đỏ nuôi cấy trong một năm vất vả. Nhưng mỗi mâm tế lại có lễ cũng như số lượng đồ dâng cúng khác nhau.
Đàn bới héng gồm một con gà luộc cắt bỏ bộ lòng, 5 chén rượu, giấy bản, hai ống hương, một bát gạo được túm trong mảnh vải. Trên mảnh vải này họ đặt một cái vòng bằng bạc. Nó tượng trưng cho sự may mắn, trừ tà, giúp cho người Dao mưa thuận gió hòa trong một năm.

Đàn sáng chà phin cúng các thế giới thần linh cũng như sư phụ của người thầy cúng đã mất. Mâm này gồm một con gà luộc, một chén nước suối, 5 chén rượu, 3 bát gạo. Trên mỗi bát gạo phải có một vòng bạc.
Mâm sám háng cúng chúng sinh không đựng gạo vào bát. Họ đựng vào chén. Trên mỗi chén cơm có một đôi đũa bằng tre. Ngoài ra, kèm thêm một con gà luộc, hương, nến.

"Riêng mâm sám háng này có cơm. Mỗi thứ đều có 5, ví dụ 5 chén nước, 5 chén rượu, 5 chén cơm. Lễ vật để cúng các loại ma lang thang không nhà cửa, không phải tổ tiên của gia đình, cũng không phải tổ tiên dòng tộc hoặc các thế lực đã có công với gia đình này. Theo quan niệm của người Dao, trong ngày vui có miếng ăn như vậy thì tất cả những ai, không phân biệt đều được hưởng, chung vui với gia chủ". - Ông Nhân nói.
Nghi thức lấy nước đầu năm
Lễ qua năm của người Dao đỏ diễn ra trong những ngày cuối của năm cũ, vắt qua đến mùng 4, mùng 5 của năm mới. Và ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, bà con sẽ làm lễ xuất hành. Và đi lấy nước đầu năm chính là nghi thức lấy nước đầu năm đầy ý nghĩa.
Giao thừa xong, họ sẽ chuẩn bị lễ xuất hành. Họ quan niệm đó là giờ tốt, nên chủ nhà sẽ chuẩn bị một gói muối, một chén nước bắt đầu họ xuất hành theo hướng nhất định.

"Ví dụ, năm nay theo hướng nào tốt họ sẽ đi theo hướng đó để đến một khe suối. Sau khi khấn vái, họ sẽ đặt một gói muối ở chỗ nguồn nước đó rồi lấy một chén nước mang về nhà thờ tổ tiên. Đấy là nghi thức quan trọng nhất trong giờ phút đầu năm đón năm mới của người Dao.  Trong tâm thức của người Dao, quan trọng nhất của mùa trồng cấy là nhất nước, nhì phân. Nếu mà một năm hạn hán sẽ gây tai họa  Nghi lễ lấy nước chính là để cầu mong để làm sao trong năm đó có mưa thuận gió hòa".
Không chỉ có người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì, Hà Giang, ở Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, Lai Châu người Dao đỏ nơi đây cũng có nghi thức đi lấy nước đầu năm cầu may. Chỉ có khác, người đi lấy nước là thầy cúng khỏe mạnh, uy tín và những người đàn ông mạnh khỏe đại diện cho cả bản mang lễ vật vượt núi đi tìm nguồn nước và làm lễ xin thần nước cho nước về bản.
Lễ vật cũng giản đơn là một ít thịt lợn, một ít muối, một chai rượu và giấy tiền dâng mời Bàn Vương, Ngọc hoàng, thần đất, thần nước phù hộ cho dân bản. Sau nghi lễ, ông sẽ cắt ống bương trong rừng múc nước và những người đàn ông của bản sẽ cõng bương nước về bản. Hành động đó mang hàm ý rước thần nước về nhà. Nước về đến nơi sẽ được đổ xuống bể chung của bản, sau đó, mới đưa về bể của các gia đình.
Cũng xuất phát từ quan niệm: nước là sự sống, là nguồn mạch của vũ trụ nên không chỉ có người Dao đỏ mà nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Khơ mú… cũng có tục lệ này.
Nhảy lửa đầu năm – khát vọng chế ngự thiên nhiên của người Dao đỏ
Trong lễ hội quý héng, người Dao đỏ ở Hồ Thầu thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc. Như múa rùa, hát páo dung, các trò chơi vui nhộn như vật chày, bói lồng gà... Trong đó phải kể đến lễ nhảy lửa.
Nghi thức nhảy lửa sẽ được gia đình tổ chức cố định trong ngày 2 – 5 tháng Giêng. Vào buổi lễ, củi được đốt lên. Thầy cúng khấn lễ, cúng báo thần linh những thanh niên, trai tráng của bản tham gia nhảy lửa. Tất cả các chàng trai đều được ngồi hầu lễ từ đầu buổi lễ trên chiếc ghế xung quanh đống lửa. Khi đống củi đã trở thành đống than hồng rừng rực, cũng là lúc nghi thức nhảy lửa bắt đầu.
Từng đôi một nhảy vào đống lửa. Họ đi chân không trên đống than, nhảy lên, lăn qua vòng than hồng. Bụi than đỏ tung theo từng bước chân của họ. Người nọ, nối tiếp người kia nhảy những vũ điệu khỏe khoắn trên đống than hồng.  
Lễ nhảy lửa là nghi thức quan trọng đầu năm của người Dao đó. Do vậy, những chàng trai khi tham dự, trước đó bắt buộc phải giữ gìn thân thể trong sạch, không được để dính mỡ, không làm điều xấu hoặc không được gần gũi với vợ... Có như vậy, nghi lễ mới diễn ra suôn sẻ.

Đỗ Quyên/VOV4

 
HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC