Lễ hội vào hang nàng Han
Thứ tư, 00:00, 21/09/2016

(VOV4) - Lễ hội vào hang ở xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, gắn liền với câu chuyện nàng Han, một nữ tướng người Thái. Nàng đã đánh tan quân xâm lược, xây dựng cộng đồng làng bản người Thái.

 

Nàng Han có công đánh giặc cứu nước, nhân dân tôn thờ hình ảnh vị nữ tướng này. Hiện nay vẫn còn dấu tích nơi nàng cất giữ của cải, vũ khí. Nàng thường ra suối luyện quân chiến đấu, vừa trồng trọt, khai hoang ruộng nương, vì gần hang có sông có suối, đất đai phì nhiêu. Hàng năm, nhân dân vùng Thường Xuân tổ chức lễ hội, vào hang, tưởng nhớ đến công lao của nàng.

 

 

Mâm lễ cúng nàng Han. Ảnh: baomoi.com

 

Không chỉ người Thái, mà người dân quanh vùng, mỗi năm khi xuân về lại tổ chức thăm hang, để cùng chung vui với cộng đồng người Thái. Từ mùng 5, mùng 6 cho đến mùng 10 tết âm lịch, trai chưa vợ, gái chưa chồng, những người có vợ có chồng rồi nhưng ngày xưa có tình với nhau, thì có thể hẹn nhau đến đó nắm tay nhau vào hang.

 

Lễ hội vào hang nàng Han có hai phần. Phần lễ thiêng liêng tôn kính bao nhiêu thì phần hội lại sôi động, tưng bừng, náo nhiệt bấy nhiêu.

 

"Thầy cúng và các cụ bô lão trong làng luôn là người cầm ấn khai hội. Khi chưa thực hiện nghi lễ cúng bái, xin phép thì tuyệt đối chưa ai được vào hang. Thầy cúng có uy tín của bản mường thì mới được cất lời cúng ở đấy. Khi đã mở hội phải có rượu cần, gà, trầu cau để thưa với thần rừng, thần núi, thần sôn, nhất là chúa đất cai quản ở đấy. Khi vào hang, thầy cúng phải tự tay châm nến rồi làm phép xua đi những tà khí ở trong hang. Những con rắn con rết trong đó biết được ngày đó là ngày hội của bản làng, phải tránh đi để dân làng mở hội" - ông Vi Văn Viễn, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, cho biết.


Sau phần lễ, cộng đồng làng bản cùng đánh  trống, đánh chiêng. Các cô gái, chàng trai Thái hòa mình vào những điệu múa sạp; các cuộc thi nấu ăn, tó má lẹ, ném còn... diễn ra sôi nổi. Ai cũng vui vẻ phấn khởi.

 

 

 

Việt Phú/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC