(VOV) - Có dịp lên vùng cao Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, chắc bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt được ngắm lớp lớp những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh sườn núi. Giữa tháng 9 này, người Thái mừng cơm mới.
Trong lễ cúng mừng cơm mới, không thể thiếu gạo nếp mới gặt nấu xôi dâng cúng tổ tiên. Những hạt thóc căng mẩy, mới chín 2/3 được gặt về, tuốt ra cho vào chõ hấp chín, phơi khô rồi mới đem đi xát. Về, vo qua để ráo nước, cho vào đồ. Cho nên xôi vừa dẻo, vừa thơm. Loại xôi này chỉ được dùng để cúng tổ tiên.
Lễ mừng cơm mới được tổ chức vào tháng 9 dương lịch, khi lúa đã chín vàng
Trong lúc những phụ nữ đảm nhận việc nấu xôi thì đàn ông lo việc bắt cá và chế biến thành món ăn. Cùng với xôi, thì cá là món chính để dâng lên tổ tiên. Cá được chế biến thành nhiều món như: cá nướng, cá rán, cá nấu măng chua, gỏi cá… Ông Lò Văn Pẻn, ở bản Nậm Chiến, xã Ngọc Chiến, cho biết: “Làm lễ cúng cơm mới thì thủ tục gồm hai gói xôi trắng, hai gói cơm cốm và cá nướng, cá nướng gập. Nếu như lễ cúng khác là có thịt như thịt lợn, thịt vịt, thịt gà thì riêng lễ cúng cơm mới này còn gọi là tết ăn cá, cá là chính để cúng hồn”.
Trong lễ mừng cơm mới, người Thái ở Ngọc Chiến chọn cốm là lúa nếp nương, bởi vì loại lúa này thường giữ được chất ngọt của hạt nếp, mùi thơm và độ dẻo không bị mất đi, hạt nếp nương rất tròn và mẩy. Người ta tin rằng, làm như vậy sẽ thể hiện rõ nhất tấm lòng thành kính của con cháu, mong rằng ông bà tổ tiên sẽ ban phước lành cho gia đình và dòng họ.
Người cúng là người già trong dòng họ, gia đình
Ngày chọn làm cơm mới không ấn định. Từng gia đình, từng dòng họ làm vào những ngày khác nhau. Nhưng có một điểm chung là người Thái chọn ngày làm cơm mới như thế nào để tổ tiên được ăn cơm mới trước mình.
Ông Lò Văn Hậu, ở xã Ngọc Chiến, nói: “Cúng lễ cơm mới thì ông chú mình đến cúng vì cúng lúa mới là những người cao tuổi trong gia đình mới được cúng. Nếu ông chú mất thì anh trai mình sẽ cúng. Khi anh trai mất thì mình là người cao tuổi trong dòng họ thì mình sẽ cúng”.
Lễ mừng cơm mới của đồng bào Thái vùng cao Ngọc Chiến ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, còn là dịp để các dòng họ tưởng nhớ những người đã khuất và là dịp để anh em họ hàng hội tụ, biểu thị sự đoàn kết và sức mạnh cộng đồng. Lễ cúng cơm mới còn thể hiện ước mong về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, một mùa bội thu của đồng bào vùng cao.
Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận