Lễ tang đặc biệt dành cho thầy Tào
Thứ tư, 00:00, 27/07/2016

(VOV4) - Khi một thầy Tào mất, gia đình và làng bản phải làm cho ông một đám ma long trọng với rất nhiều nghi lễ, bởi ông sẽ vẫn tiếp tục có quyền lực ở thế giới bên kia, và vẫn hàng ngày dõi mắt trông nom đám con cháu còn sống.

 

Thầy Tào có quyền năng nhất trong số các thầy

 

Thường thì thầy Tào là nghề cha truyền con nối hoặc người nào đó có cơ duyên thì xin làm đệ tử một thầy đẳng cấp cao để học nghề. Nhất thiết người hành nghề thầy Tào phải được hội đồng thầy Tào trong vùng công nhận bằng một nghi lễ cấp sắc thì mới được xã hội chấp nhận. Chính vì thế, khi thầy Tào qua đời, cộng đồng làng bản sẽ phải tổ chức tang ma với hình thức trang trọng.

 

Thạc sỹ Đàm Thị Tấm, giảng viên khoa Văn - xã hội, Trường đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, cho biết: “Trong cộng đồng người Nùng có thầy Tào, thầy Mo, thầy Then và thầy Pụt. Thầy Tào, trong tín ngưỡng dân gian của người Tày - Nùng thì là thầy có quyền năng cao nhất. Chính vì thế khi mà ông thầy này mất đi, gia đình và cộng đồng tổ chức cho ông ấy một đám tang đầy đủ các nghi lễ để đưa tiễn linh hồn và âm binh của thầy Tào về trời, bởi vì trong quan niệm của người Nùng, khi còn sống ông làm thầy cúng, khi mất đi ông sẽ được về trời và về trên trời ông vẫn làm thầy cúng”.

 

 

Nghi thức tang ma người Nùng Phàn Slình. Ảnh:dantri.com

 

Trong gian đặt quan tài của thầy Tào được trang trí những hoa văn, hình nhân phong phú: “Việc trang trí nhà táng của thầy Tào cũng khác hẳn so với những người bình thường. Họ làm thêm các con rồng, con rắn đặt phía trên, vì theo quan niệm của đồng bào thì thầy Tào là người có quyền phép hơn người, khi về thế giới bên kia thì những con rồng con rắn này như những người hộ tống thầy Tào về trời. Họ đặt con lợn phủ phục ngay trước linh cữu của thầy, họ bày đầy đủ lục phũ ngũ tạng của con lợn ấy để cúng cho thầy" - Th.s Tấm cho biết.

 

Lễ vật bắt buộc là một con gà trống choai và 3 bát gạo, không thể thiếu một con lợn to. Đây là nguồn lương thực để nuôi âm binh của thầy. Toàn bộ lục phủ ngũ tạng của con lợn cùng 12 bát thịt lợn và 12 bát tiết canh đặt trong hai mâm vì một năm có 12 tháng, một ngày có 24 giờ.

 

Nghi lễ xin người chết truyền lại chữ cho con cháu


Vì thầy Tào là người giỏi chữ nghĩa, nên thầy cúng và con cháu trong gia đình cũng sẽ phải thực hiện nghi lễ “slải slỉ", tức là lễ đi chữ. Nghi lễ này được thực hiện từ sáng sớm. Thầy cúng và con cháu sẽ ra ruộng hoặc vườn nhà. Tại đây, thầy cúng yểm bùa vào các góc ruộng của gia đình và làm lễ gọi tổ tiên về chứng giám. Thầy đi trước, con cháu đi sau theo thứ bậc trong dòng họ và gia đình. Họ sẽ đi ba chữ: Phúc, Lộc, Thọ.

 

Thạc sỹ Đàm Thị Tấm giải thích: “Trong quan niệm của đồng bào, ông này có rất là nhiều chữ, khi mất đi con hương của ông sẽ phải dẫn các con trai của thầy Tào ra ngoài ruộng thực hiện một nghi lễ, trong nghi lễ này sẽ có một con dê và gà, rượu, thịt. Họ sẽ thực hiện nghi lễ viết chữ vì họ cho rằng khi viết chữ như thế thì thầy Tào sẽ để lại chữ cho con cháu”.

 

Trong đêm tổ chức nghi lễ tang ma cho thầy Tào, không thể thiếu  nghi lễ khoảy slư - múa chữ. Một đội thầy được mời tới múa cùng với những thầy đang cúng tại đám ma cho thầy Tào. Một thầy ở đội này múa các động tác của chim phượng, thì thầy ở đội kia sẽ múa động tác của con rồng đáp lại, sau đó lại đổi vai cho nhau. Các động tác múa diễn ra nhanh và mạnh mẽ, thể hiện niềm vui của rồng, phượng hội ngộ. Nếu thầy Tào đã mất càng cao tay, thì lượng rồng, phượng trong đám ma càng nhiều.

 

Sau khi múa xung quanh quan tài, hai đội thầy cúng sẽ hát mo sli đối đáp khoảng 20 phút. Bài hát thể hiện sự tiếc thương của con cháu, gia đình, họ hàng và làng bản đối với thầy Tào. Sau khi hát xong thì phải đốt tiền giấy để linh hồn thầy Tào mang về thế giới bên kia. 

 

Sau khi các thủ tục đã xong, gia đình bắc một mảnh vải trắng từ chân quan tài lên phía trên mái nhà đã dỡ mấy viên ngói, để tiễn đưa linh hồn thầy Tào về trời. Con cháu đứng hai bên tấm vải trắng đó, nam một bên, nữ một bên. "Những người sinh cùng tháng, cùng năm với thầy Tào không được cầm vào mảnh vải trắng đó, bởi vì nếu cầm dải vải đó  họ sẽ bị ngất. Cũng có một số hiện tượng đã xảy ra như ngã bật ra, họ không đủ sức cầm vào dải vải đó nữa, bởi vì sinh cùng thời điểm như thế thì hồn vía sẽ yếu vì thầy Tào là người quyền phép vạn năng, xung, họ sẽ bị bật trở ra, hoặc có thể bị kéo theo lên trời" - Th.s Tấm giải thích về điều mà người Nùng tin.

 

 

Người dân tham gia hạ huyệt cho thầy Tào.  Ảnh:baomoi.com

 

Nghi lễ đưa tang cho thầy Tào diễn ra vào sáng sớm. Trước khi đưa quan tài ra khỏi nhà, thầy cúng phải trải một tấm vải trắng từ bàn thờ đến cửa. Trên tấm vải đó, họ để một chiếc mũ, một con rồng và một thanh kiếm bằng giấy. Thường là con, cháu ít tuổi nhất trong nội tộc sẽ được đeo kiếm và cầm con rồng này ra mộ. Họ cũng làm lễ đốt hết sách của thầy Tào, để ông mang sang bên kia thế giới, tiếp tục hành nghề. Toàn bộ sách cúng của thầy được trải dài từ bàn thờ tổ tiên ra đến cầu thang - nơi đưa quan tài thầy xuống. 


Thầy Tào tự chọn nơi an nghỉ

 

Nơi yên nghỉ của thầy Tào thường do chính thày Tào lựa chọn trước khi mất, bởi thầy Tào muốn mình luôn được quan sát con cháu và bảo vệ cho con cháu. Người Tày - Nùng có câu “đảy kin nhòm mồ mả, thong thả nhảy tỷ rườn” (được ăn là nhờ mồ mả, thong thả được thì nhờ đất làm ăn). Người chết thường yên nghỉ trên lưng chừng đồi hoặc trên đỉnh đồi. Những người làm thầy cúng thường chọn trước chỗ an nghỉ cho mình, bao giờ cũng ở trên đồi cao, thường là đằng sau nhà ở của họ để nhìn xuống trông nom bảo ban con cháu. Người Nùng cho rằng người mất đi rồi nhưng linh hồn của họ, đặc biệt là đôi mắt, vẫn dõi theo con cháu hàng ngày.

 

Trước khi hạ huyệt, người Nùng Phàn Slình phải làm lễ cúng thổ thần. Sau khi hạ huyệt, tang quyến cùng với thầy làm lễ hóa sớ, nhà táng, linh sa, tiền giấy, vàng mã, tư trang vật dụng của người chết. Trong nghi lễ tế thổ thần, thầy Tào và trưởng nam hoặc một cháu nội phải xuống huyệt làm lễ, con cháu đưa lễ vật xuống huyệt mộ, thắp hương tế thổ thần xin phép được hạ huyệt. Đồng bào quan niệm tang ma là chuyện chẳng lành, là không vui, là cái hạn lớn mà mỗi gia đình phải chịu. Nếu không làm lễ cẩn thận họa sẽ nhiều hơn. Vì vậy trong nghi lễ đưa tang, hạ huyệt họ đã kết hợp làm lễ hồi lộc và cầu an cho gia súc.

 

Trong các buổi sáng của ba ngày đầu thầy Tào mới mất, con cháu mang theo xôi, gà, thịt, rượu, tiền vàng ra mộ cúng cho linh hồn người chết ăn. Trong suốt 24 tháng, con cháu phải cúng cơm mỗi ngày hai bữa đạm bạc trong nhà để cho linh hồn thầy Tào được đầu thai khỏe mạnh.

 

Người Nùng ở nước ta có khoảng 1 triệu người, sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Thái Nguyên. Là dân tộc có dân số đứng thứ 7 tại Việt Nam, người Nùng chia thành 5 nhóm là: Nùng Phàn Slình, Nùng Cháo, Nùng Ing, Nùng An và Nùng Giang.

 

Người Nùng Phàn Slình chiếm hơn 13% dân số của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, cư trú chủ yếu ở các xã Tân Long, Hòa Bình, Văn Hán và Hóa Thượng. Họ có đời sống văn hóa vô cùng phong phú. Thầy Mo, thầy Tào, thầy Then, thầy Pụt được cộng đồng làng bản rất coi trọng bởi họ là  đại diện, là trung gian kết nối giữa thần linh với con người.

Thầy Tào là những người được coi là toàn tài, toàn đức, có khả năng kết nối hoặc chia cắt giữa linh hồn người đã khuất với các cõi, có bùa pháp trừ khử ma tà. Thầy Tào còn là người am hiểu kinh dịch, đặc biệt là phải thông thạo chữ nho, chữ nôm. Mặt khác, thầy tào phải là người công tâm, chịu khó, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghề. Không có trường lớp nào dạy làm nghề thầy Tào cả.



 

Việt Phú/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC