Lễ trưởng thành của người Chăm Bà-ni
Thứ hai, 00:00, 04/04/2016

(VOV) - Khoảng tháng 6, tháng 8, hoặc tháng 10 Chăm lịch, bà con Chăm theo đạo Bà-ni lại tổ chức lễ Kareh và Katal - tức lễ trưởng thành hay còn gọi là lễ nhập đạo - cho con gái và con trai tuổi từ 15 trở lên. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng trong cuộc đời của người Chăm theo đạo Bà-ni.


Theo phong tục của người Chăm Bà-ni, phải trải qua nghi lễ Kareh và Katal thì thanh niên nam nữ mới được thần linh công nhận là đã trưởng thành, mới được thực hiện những việc trọng đại trong đời mình.


Lễ Kareh Katal của người Chăm thường được làm trong 3 ngày 2 đêm. Ngày thứ nhất, mọi người trong gia đình lo chuẩn bị trang phục, làm rạp. Ngày thứ 2, làm bánh trái truyền thống như là chuối, nếp nổ, bánh ít, bánh xalam. Và lễ cúng sẽ diễn ra vào ngày thứ 3. Gia đình sẽ mời tất cả bà con trong làng đến dự để cùng chứng kiến thời khắc cậu con trai, cô con gái được thần linh công nhận là người trưởng thành.

 

Tùy theo điều kiện kinh tế mà mỗi gia đình có thể tổ chức lễ trưởng thành cho con trai, con gái lớn hay nhỏ. Thường thì gia đình phải chuẩn bị mỗi người được làm lễ một nải chuối, một khay nếp nổ, một con gà trống và một con dê cúng thần linh. Vào lúc hoàng hôn cũng là lúc các thanh niên nam nữ đến tuổi trưởng thành tập hợp tại địa điểm làm lễ. Nam sẽ do một vị chức sắc gọi là Imem Tanh hướng dẫn vào ngồi trong một rạp, còn nữ sẽ được bà “muk Buh” hướng dẫn lễ nghi dẫn vào ngồi trong một rạp khác. Đến sáng ngày hôm sau, khi mặt trời vừa mọc, những người đỡ đầu cho số thanh niên nam nữ lần lượt hướng dẫn họ xuống sông tắm rửa tội. Đây là một phần quan trọng trong quá trình làm lễ trưởng thành, với quan niệm dòng sông sẽ rửa sạch mọi bụi trần, rửa sạch mọi tội lỗi và mang lại sự thuần khiết cho con người.


 

C¸c bµ giµ ®ang bói tăc cho c¸c thiƠu n÷.JPG

Cô gái nhỏ được búi tóc - một nghi thức bắt buộc


Ông Imem Sa – người chủ trì làm lễ Kareh, cho biết:


- Hôm qua làm lễ mbang Aluah tức là lễ tấu với Po Bi - vị thần linh biết rằng hôm nay có gia chủ làm lễ trưởng thành cho con cháu. Hôm nay là lễ chính, sáng sớm bà già sẽ dẫn các cháu gái đi tấm rửa, sau đó dẫn vào rạp phụ thực hiện nghi thức búi tóc. Khi sạch sẽ rồi dẫn sang rạp chính để các chức sắc làm lễ chính thức cho các cháu, trong đó có nghi thức cắt tóc và đặt tên thánh cho các cháu. Từ đó các cháu mới được công nhận là tín đồ Hồi giáo Bà-ni.

 

Trước khi thực hiện nghi lễ Kareh chính thức, một người đàn ông ẵm một bé trai khoảng 8 tháng đến 1 tuổi, là con cháu của gia đình hay trong dòng họ tổ chức lễ và gọi là anek Po La Dhi vào làm lễ.  Giải thích về nghi thức này, Imum Sa cho biết:


- Tại sao phải có bé trai này, vì ai sinh ra cũng phải nằm trong bụng mẹ, mà muốn ra ngoài được thì phải có sự cho phép của Po Bi (Ala), đứa trẻ ra trước, mà theo quan niệm của người Chăm là aia uan aia sai ra trước. Do đó mà trong rạp lễ chính này, trước tiên phải làm lễ cho đứa bé này trước đã, sau đó đến lượt con gái của gia chủ tiếp theo.

 


C¸c thiƠu n÷ Ch¨m ®ang trong giê hµnh lÔ.JPG

Nghi thức được thực hiện tại rạp


Sau khi rửa tội tại sông, những thanh niên nam nữ lần lượt được đưa về rạp, nơi làm lễ chính thức. Tại đây, các vị chủ lễ chính thức đặt tên cho những người trưởng thành trong đợt này. Tên được lấy từ tên các vị thần đỡ đầu. Đó là cái tên mà người đó sẽ được sử dụng khi qua đời, ở thế giới bên kia. Tiếp đến là việc thực hiện nghi lễ cắt bao quy đầu đối với nam. Trước kia, nghi thức này được thực hiện đúng với tên gọi của nó. Ngày nay,  nghi thức này chỉ được thực hiện một cách tượng trưng. Đối với nữ, sẽ thực hiện nghi lễ cắt tóc mái để xin thề không làm sai trái giáo luật.

 

Ông Thập Liên Trưởng, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm văn hóa Chăm, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, cho biết:


- Theo quan niệm truyền thống, tộc người Chăm có hai giáo phái: Bà-la-môn giáo hay còn gọi là Ahier thuộc hệ Dương, Hồi giáo Bà-ni hay còn gọi là Awal thuộc hệ Âm. Theo tập tục của người Hồi giáo Bà-ni, khi thành lập gia đình thì người con trai phải chịu lễ Katat và người con gái phải chịu lễ Kareh ở độ tuổi mười lăm, thì sau này, khi nhắm mắt xuôi tay mới được thực hiện những nghi thức của tôn giáo.

 

Lễ Kareh và Katal nay đã được rút ngắn thời gian. Ông Lư Văn Bằng, ở thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cho biết:


- Trước kia, những người tham gia làm lễ Kareh Katal phải đi tát ao bắt cá, vào rừng chặt củi để chuẩn bị lễ. Và sau khi kết thúc lễ thì những người này vẫn tiếp tục ở lại phục vụ cho gia chủ từ 7 đến 10 ngày. Từ lúc bắt đầu làm lễ đến khi kết thúc lễ cũng mất gần nửa tháng, nhưng bây giờ thì rút gọn lại trong 3 ngày.

 

Kết thúc buổi lễ, gia đình mời bà con lối xóm đã đến chứng kiến thời khắc cậu con trai và cô con gái được thần linh công nhận là người trưởng thành dùng bữa cơm thân mặt. Tại đây, các cô gái, chàng trai vừa được làm lễ trưởng thành được bà con, họ hàng tặng quà mừng. Kể từ đây, họ chính thức trở thành tín đồ Hồi giáo Bà-ni.




Jasi/VOV-TPHCM

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC