Lên nhà mới, phải báo tổ tiên
Thứ tư, 00:00, 05/10/2016

(VOV4) - Trước đây, khi người Ba na còn sống du canh du cư, mỗi khi chuyển làng đến địa điểm mới, dựng nhà xong, người Ba na phải làm lễ lên nhà mới để báo cho ông bà tổ tiên và các vị thần linh, cầu mong được che chở, yên ấm, no đủ.
 

Cách đây ít lâu, một nhóm bà con người Ba na ở làng Leeng, xã Tơ Tung, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai chuyển tới Làng Văn hóa và du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sinh sống. Bà con quan niệm như ở quê hương, phải làm lễ lên nhà mới để cuộc sống được may mắn, khỏe mạnh. Vậy là đến giờ lành, già làng, thầy cúng cùng chủ nhà đem theo bầu rượu cần, thịt nướng và cơm lần lượt làm 3 tuần cúng. 

 

Địa điểm đầu tiên là ở cổng làng. Tại đây đã dựng sẵn một cây Tra-đang (cây nêu), làm từ thân cây le (một loại cây thuộc họ tre) cao hơn 1m. Nửa trên cây Tra-đang được chẻ ra làm 4, tẽ rộng, đặt một mâm nhỏ kết từ lá chuối. Già làng đặt một nắm cơm dưới đất, ngắt thịt, rắc máu con vật hiến sinh, đặt chén rượu cần lên 4 góc của mâm lá chuối, thắp đèn sáp ong rồi cất tiếng khấn.  

 

Lời khấn hàm ý báo cáo với ông bà tổ tiên, linh hồn người đã khuất, rằng con cháu đã về nơi ở mới, đã dựng được làng, được nhà, mời ông bà tổ tiên về chứng giám, phù hộ cho con cháu có sức khỏe dồi dào, may mắn. Bên cây Tra–đang ngoài cổng, người ta còn dựng một cầu thang đẽo từ cây le. Có điều là, cầu thang này lại quay ngược chiều so với cầu thang dành cho người sống. Già làng Đinh Plênh giải thích: "Cúng ma là phải thang ngược. Ý là mời nó, nó ăn uống ở đây thì nó biết chỗ này thành quê người ta rồi. Thang này, ma là lên như thế. Ma nó ngược, nói tiếng cũng ngược".

 

 

Cúng ma ngoài cổng làng. Ảnh: baomoi.com

 

Sau tuần cúng ngoài sân là tuần cúng tại sân chung của làng. Tại sân chung, bà con cũng dựng một cây Tra-đang gần giống cây ngoài cổng, nhưng không có cầu thang ngược. Sau khi rắc thịt và tiết con vật hiến sinh lên mâm lá chuối, 3 vị chủ lễ cùng khấn các thần. 

 

Anh Đinh Ply nói: "Già làng cúng cây Tra-đang, lấy bộ lòng, gan, tiết báo cho thần linh gần xa vùng này để biết là mình đã đến cùng ăn cùng ở, để thần linh ở đây họ biết. Già làng báo cáo dân làng chúng tôi đi đâu, qua suối qua sông, hay có lỡ phá cái gì đó thì cũng xin tha thứ. Mình cúng xong, nếu mà ông trời phù hộ, ông bà tổ tiên giúp đỡ bà con mạnh khỏe hạnh phúc, thì 3 năm sau tổ chức đâm trâu để tạ ơn".

 

Anh Đinh Ply cho biết nếu bà con đã ở đất này lâu, dựng nhà mới thì không cần cúng ngoài sân. Còn nếu đến vùng đất mới, thì bắt buộc phải làm. Có thế thì bà con phá đất làm lúa, làm ngô hay xẻ gỗ làm nhà mới không bị thần linh trách phạt. Nếu mâm cúng ngoài cổng, người ta rắc đồ lễ ra 4 góc, thì mâm cúng ngoài sân, lại chỉ rắc 3 góc thôi. Anh Đinh Ply giải thích: "Ông bà tổ tiên là phải 4 góc, đơn giản như  mình nghĩ là bên nội bên ngoại. Ngoài sân là cúng Giàng, thần trời thần đất, thì một góc về trời, một góc về đất, con người mình một góc nữa".

 

Cúng ma trong nhà trước khi nhập trạch. Ảnh: baomoi.com

 

Cuối cùng là nghi thức cúng ma trong nhà. 3 vị chủ lễ ngồi quây bên cây Tra-đang dựng trong nhà. Cây Tra-đang này cao to, trang trí cầu kì, hoa văn được vẽ bằng máu con vật hiến sinh. Gốc cây đã buộc sẵn một ghè rượu cần. Thầy cúng dùng máu vật hiến sinh bôi lên cây Tra-đang và ghè rượu trong khi lầm rầm khấn, xin ông bà tổ tiên và các đấng thần linh phù hộ. 2 cây Tra-đang bên ngoài, cúng xong coi như bỏ, nếu có trâu bò phá hỏng cũng không sao, còn cây tra-đang trong nhà thì sẽ tồn tại mãi cùng ngôi nhà. Gia đình nào cũng có một cây tra-đang như vậy.

 

"Mình cúng quảy là ở đây hết. Không có cái này là không thành làng. Như người Kinh là có bàn thờ. Ý là thế. Cây nêu trong nhà để cột rượu ghè cúng. Một năm 3, 4 lần cúng là phải tổ chức ở đây, ăn lúa mới này, đóng cửa kho này, cúng ma, lúc nào cũng ở chỗ cây nêu" - già làng Đinh Plênh nói.

 

Thực hiện xong các thủ tục tâm linh, già làng vít cần rượu, lần lượt trao cho các thành viên trong gia đình cùng dân làng. Bà con cùng nhau xoang, uống rượu ghè, ăn thịt vật hiến sinh và hi vọng vào cuộc sống ấm no, đủ đầy trên vùng đất mới.

 

 

 

 

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC