Mã não báu vật của người Pa cô
Thứ hai, 00:00, 17/10/2016 Hải Huyền bt ct Hải Huyền bt ct

(VOV4) - Người Pa cô ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế coi những chuỗi mã não là vật báu. Làm mất chúng hay tự ý đem cho người khác là một điều đại kỵ.


Từng lứa tuổi có cách đeo mã não riêng


 

Ngày xưa, khi người Pa cô vẫn còn đeo mã não, chỉ nhìn chuỗi hạt bạn sẽ biết chủ nhân của nó giàu sang hay bần hàn, trẻ hay già. Thậm chí, có thể biết người phụ nữ đó có chồng hay chưa. 

 

Chị Hồ Thị Tư (dân tộc Pa cô), Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, cho hay: “Con gái tuổi trăng tròn chỉ đeo hai hột ở giữa dây hoặc một hột duy nhất. Tuổi trung niên, có chồng, đeo nhiều hơn, khoảng 10 hột. Còn những cụ già và người có điều kiện thì đeo nhiều hơn nữa”. 

 

Xưa, mã não là lễ vật không thể thiếu trong đám cưới của người Pa cô. Đó là món quà của nhà trai dành cho nhà gái. Số lượng hạt nhiều hay ít thể hiện giá trị của cô dâu theo đánh giá của nhà trai. 



Phụ nữ Vân Kiều (đầu đội khăn) và phụ nữ Pa cô đều có tục đeo vòng mã não. Ảnh: TNO

Theo chị Hồ Thị Tư, khi chết đi, vòng mã não được chôn theo người chết: “Nếu như người chết dặn con cái cho họ đem theo thì con cái muốn giữ lại cũng không được. Trường hợp họ để lại cho con cháu, mình phải làm giả chuỗi khác cho người chết mang đi. Nếu như mình không làm như vậy thì lâu lâu người chết lại về xin lại”. 


Chị Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A lưới, cho hay, một khi đã đeo mã não, tuyệt đối không được làm mất, hay tự ý cho người khác: “Nó liên quan đến mệnh của con người đó. Đang đeo mà đưa cho người khác thì Giàng sẽ không chấp nhận. Khi mà xin Giàng cho phép, mới có thể cho người khác sử dụng”. 



Đứa con của giàng Cợt



Nếu bạn nhìn thấy đứa trẻ Pa Cô đeo chiếc vòng mã não chỉ có một hạt thì đích thị đó là đứa trẻ do giàng Cợt ban tặng.


Giàng Cợt, trong quan niệm của người Pa Cô, là vị thần sinh sản, ban tặng con cái. Nếu như Cợt vui lòng sẽ cho con người con đàn cháu đống. Một khi Cợt quay lưng thì cặp vợ chống đó vô sinh.


Lấy nhau 1 – 2 năm vẫn chưa có con, người ta sẽ làm lễ để kêu cầu giàng Cợt. Tùy theo điều kiện gia đình, có thể cúng một con gà trống thật đẹp hoặc một con heo to. 

 

Sau khi cúng xin giàng Cợt, đứa trẻ sinh ra sẽ được bố mẹ đeo cho chiếc vòng mã não có duy nhất một hạt. Người già bảo hạt mã não đó tượng trưng cho giàng Cợt, giàng sẽ ngự trị, chở che cho đứa trẻ khỏi ốm đau, mau ăn chóng lớn. Đứa trẻ mà giàng ban tặng không bao giờ bị đánh mắng, dọa nạt, một phần vì trân trọng cái ơn của giàng, một phần cũng là sợ đứa trẻ ấy sẽ bị giàng Cợt lấy đi.

 


Các vị thần (g
iàng) trong tâm thức người Pa cô

 


Người Pa Cô còn có nhiều vị thần khác nhau. Giàng Sứ là vị thần khí hậu. Mưa có thuận, gió có hòa, tôm cá có sinh sôi đầy sông đầy suối, chính là nhờ giàng Sứ ban tặng. Pa nuôn là vị thần che chở cho con người buôn may bán tốt. Người Pa cô có câu ngạn ngữ: muốn mặc zèng thì hãy ngược lên Tà ôi/Muốn cầm cái rựa hãy xuôi về đồng bằng/Đi buôn gặp nhiều điều may mắn, nhiều của cải là nhờ giàng Pa nuôn che chở, phù hộ. 


Giàng A Zel – thần trời, và Giun - thần đất, có vai trò quan trọng trong đời sống của người Pa Cô. Thần trời có công mài nhẵn hình hài con người, tạo nên các loại cây trồng, vật nuôi. Và cũng như giàng Sứ, giàng trời điều hòa khí hậu cho sông suối mát lành, cây cối tốt tươi. Còn giàng Giun ngự trị trong lòng đất, tạo nên những lớp đất màu mỡ, nuôi dưỡng các loại cây trồng. Người dân no đủ hay đói khát là nhờ sự chở che của các giàng. 


Trong hệ thống tín ngưỡng người của Pa cô còn có giàng Đung – tức giàng nhà cửa, giàng các giống cây trồng. Nhưng người Pa Cô không lập ban thờ. Chỉ trong dịp tết A Za hay còn gọi là Tết cơm mới, cầu mùa, người ta sẽ tạ ơn các Giàng.

 

 

Thu Cúc/VOV4

Hải Huyền bt ct

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC