VOV4.VN – Đó là phong tục người Pà thẻn thực hiện vào ngày đầu tiên của năm mới. Người đàn ông sẽ “xin nước” như thế nào?
Gia đình xếp hàng đi "phát nương"
Trước khi đi xin nước nấu cơm, ngày mùng Một, người đàn ông Pà thẻn sẽ cùng gia đình thực hiện một vài nghi lễ quan trọng.
Sáng sớm, người ta lấy lá “sổ sung”, tức cỏ nước, buộc cùng mảnh giấy cúng. Sau khi đốt, họ vứt lên nóc nhà, chuồng lợn, chuồng gà… mỗi nơi một ít. “Các cụ bảo cứ vứt như thế để mình có thể nuôi gà, nuôi gì thì nó may mắn” – bà Phù Thị Lan, ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, Hà Giang, nói.
Đúng giờ đẹp, cả gia đình tập trung trước sân nhà làm nghi lễ phát nương. Tất cả thành viên xếp hàng nối đuôi nhau tiến ra ngoài nhà theo hướng mặt trời lặn. Chủ nhà, tức người đàn ông đi trước, một tay cầm bó đuốc rực lửa, một tay cầm hương, giấy cúng. Theo sau là vợ và các con, trên tay cầm dao, cuốc, xẻng… tiến đến nơi thầy cúng đã chọn sẵn, cách nhà 1 – 2m.
Tại đây, chủ nhà cắm đuốc, đặt hương và khấn cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cúng xong, mỗi người cầm nông cụ trên tay làm động tác phát nương, cuốc đất, hàm ý mở đầu một vụ mùa thuận lợi.
Đi xin nước nấu cơm cho vợ
Sau khi thực hiện nghi thức phát nương, gia chủ sẽ làm lễ xin nước ở đầu nguồn, mong “ma” nguồn nước cho nước sạch, chảy đều quanh năm. Hôm ấy, chính tay người đàn ông làm chủ gia đình sẽ nấu một bữa cơm thịnh soạn để vợ, con cái cùng các thành viên trong gia đình thưởng thức.
“Hứng nước ở bể cũng được. Ở nhà mình nhưng vẫn phải xin. Đó là xô nước đầu tiên. Người ta lấy bó cỏ nước, một nén hương, đốt xong để trên bể nước rồi xin nước về nấu nồi cơm đầu tiên hôm mùng 1 Tết đấy. Sáng hôm đấy nhà ai đi xin cũng được. Mình hứng xô, xong nói một câu: “Năm mới qua đi, năm mới quay về, những cái gì không may mắn vứt xuống sông xuống suối, những điều gì may mắn mang về cho mình” - bà Phù Thị Lan bảo.
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận