Muốn cưới được vợ phải tặng áo quan!
Thứ sáu, 00:00, 07/04/2017 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài

VOV4.VN - Áo quan là một trong những lễ vật thách cưới của gia đình người Giáy ở Tả Van, Sa Pa, Lào Cai, xưa kia.


Chàng rể báo hiếu thóc “nuôi miệng”, áo quan

Xưa kiaTrai gái người Giáy  14 – 15 tuổi đã có thể dựng vợ, gả chồng. Thông thường đều do bố mẹ sắp đặt. Cũng có đôi, quen nhau ngày hội, đem lòng thương nhau rồi xin bố mẹ cho cưới. Bố mẹ ưng thuận gia đình sẽ “thả mối mai” – tức đi tìm ông mối, bà mối đại diện gia đình nhà trai sang “đàm phán” bên nhà gái. 


Khi nhà trai đến hỏi chính thức, nhà gái bắt đầu thách cưới. Trước tiên là thách cho bố mẹ, ông bà, họ hàng cô gái.

 

“Nếu ông bà còn sống, nhà gái sẽ thách quà như giày, chăn, đệm, rồi cả thóc nuôi miệng, áo quan cho ông bà, bố mẹ cô gái. Đặc biệt, phải có chiếc vòng tay cho mẹ đẻ cô gái. Người ta gọi là “bù cạn”, tức là trả công mang nặng đẻ đau cho người mẹ. Sau đó là thách cho họ hàng bên nhà gái mỗi người một đồng bạc trắng, một đôi gà vịt. Đấy là quà thách cho những người thân thiết nhất” – ông Sần Cháng, nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai, cho hay.

Tuy 1 – 2 tạ thóc không thể nuôi mẹ cha cả đời, không thể sánh được công cha nghĩa mẹ, nhưng tặng quà để thể hiện người con rể sẽ lấy chữ hiếu làm đầu. Từ nay, chàng rể sẽ cùng người con gái chăm nom phụng dưỡng, cùng gánh vác việc nhà gái cũng như nhà mình. Ngoài chiếc vòng, thóc “nuôi miệng”, nếu gia đình nhà trai khá giả, người ta còn thách vài chục đồng bạc trắng coi như vốn liếng dành cho ông bà. Hoặc, sau này cũng là của hồi môn cho con gái về nhà chồng.



Đoàn rước dâu. Ảnh: vietnamplus.vn



Ông Sần Cháng cho hay những người họ hàng được quà cưới của chàng rể, sau này, khi bên nhà trai tổ chức lễ đầy tháng cho đứa con đầu, họ phải đem quà sang mừng cho cháu. Quà mừng là 2m vải may áo, may tã. Nếu là con trai, họ sẽ mừng một đồng bạc trắng. Nếu là con gái, họ sẽ tặng một chiếc vòng tay trị giá bằng một đồng bạc trắng.  Cho nên, khoản thách cưới này coi như đem "gửi" họ hàng. 

Phần thách cưới cho cô dâu, chú rể phải có một đôi vòng tay bằng bạc trắng. Mỗi chiếc vòng là bốn đồng bạc trắng. Thêm một chiếc vòng cổ trị giá mười đồng bạc trắng. 

“Thậm chí, thách cả những cái kiềng, nồi, niêu... Tức là sắm đủ cho một gia đình ra ở riêng. Rồi hoa tai, vòng tay, vòng cổ, quần áo. Quần áo là 4 bộ, 6 bộ, 8 bộ, may hết bao nhiêu mét vải thì tự tính để đi mua. Mua xong mang về trao cho nhà gái để cho nhà gái mọi người nhìn thấy hẳn hoi. Nhà gái cất đi, đến hôm đón dâu thì mang đi theo” - theo ông Cháng.

Những món đồ như tiền bạc, đồ trang sức, vải may quần áo, chiếc vòng bạc của mẹ cô dâu sẽ được người làm mối đưa sang hôm ăn cưới. Riêng áo quan và thóc nuôi miệng có thể hoãn vài tháng hoặc 1 - 2 năm sau. Thậm chí, đến khi bố hoặc mẹ vợ qua đời, đem sang, cũng được nhà vợ đồng ý.

Nhà gái vùi lửa chờ nhà trai

Ngoài ra, nhà gái còn thách lương thực, thực phẩm để tổ chức đám cưới, khao làng. Mỗi thứ có khi lên tới trăm cân.

Thịt lợn thông thường từ 80 – 100 cân, tùy thuộc vào số lượng khách khứa. Sau thịt là rượu và gạo nếp để làm bánh rán. Số lượng cũng tương tự như rượu. Có nhà còn thách cả gạo tẻ cho khách đến ăn. Nghĩa là, bữa cỗ hôm ấy ở nhà gái, ngoài nước lã và củi, tất cả lương thực, thực phẩm còn lại đều do nhà trai gánh đến. Nhà trai phải cử hai người đi làm thức ăn cho bên nhà gái. Nên có câu “nhà gái vùi lửa chờ nhà trai”.

Theo ông Cháng, ngày xưa, đồ thách cưới quá cao nên nhiều nhà không lo nổi. Vậy mới có chuyện gái chạy theo trai, trai phải đi ở rể hoặc trai tân phải lấy gái goá, gái "thừa". Có người, con cái lớn hết nhưng bố mẹ vẫn chưa trả hết nợ cưới xin. 

“Đấy là những nhà có điều kiện, chứ người ta cũng xử sự rất tinh tế, tế nhị. Người ta cũng xem hoàn cảnh nhà con trai đó, xem đôi trai gái đó có thực sự ưng ý nhau không. Nhất là người con gái đó, nếu thách cao mà nhà trai không đón được thì có khi mình mất không con gái. Tục của người Giáy, một khi cô gái đã chạy theo chàng trai về nhà, nhà gái không muốn cưới cũng phải cho cưới. Khi đó những khoản thách sẽ không có nữa” - ông Cháng nói.


Ngày nay, phần thách cưới có nhiều thay đổi, có nơi giảm một nửa, có nơi chỉ bằng hai phần ba số ấy.

 

 

 

Thu Cúc/VOV4


Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC