(VOV4) - Người Thái ở huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) thuộc nhóm Thái trắng. Sống giữa xứ Mường, nhưng người Thái vẫn giữ được những phong tục truyền thống, mang nhiều nét khác biệt so với các nhóm Thái khác ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.
Đặc biệt, bà con vẫn giữ được một số lễ hội đặc trưng, thể hiện quan niệm về thế giới, về cuộc sống, như lễ hội chá chiêng. Lễ hội này đang được coi là điểm nhấn trong phát triển du lịch văn hóa của huyện Mai Châu và tỉnh Hòa Bình.
Tỉnh Hòa Bình không chỉ nổi tiếng với 4 xứ Mường lớn là Mường Vang, Mường Bi, Mường Thàng, Mường Động mà còn là cái nôi của văn hóa Thái. Theo các nhà khoa học, người Thái đã định cư ở vùng đất Mai Châu (Hòa Bình) từ cuối thế kỉ 13, đầu thế kỉ 14. Đây là vùng đất nằm giữa suối Xia và suối Mùn, không chỉ là vựa lúa lớn mà còn nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm.
Người Thái ở Mai Châu ăn mặc khác với người Thái vùng Tây Bắc
Ngày nay, bà con người Thái ở Mai Châu đã phát triển và mở rộng nghề truyền thống của cha ông. Sản phẩm thổ cẩm của người Thái ở Mai Châu đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, thậm chí sang cả nước ngoài.
Theo bà Hà Thị Mai Ly, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao tỉnh Hòa Bình, một người con dân tộc Thái của huyện Mai Châu, thì chỉ cần nhìn vào trang phục của các cô gái là có thể nhận biết được người Thái Mai Châu:
"Đồng bào dân tộc Thái ở huyện Mai Châu có những điểm hơi khác biệt so với dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Rõ nhất là qua trang phục. Người Thái ở Mai Châu không mặc áo có cài khuy bạc, chiếc áo cóm được cạp váy kéo lên che, tức là áo để trong cạp váy. Đối với phụ nữ Thái ở huyện Mai Châu, có chồng, người ta vẫn để búi tóc đằng sau gáy, chứ không tằng cẩu".
Khi đã nói đến dân tộc Thái ở Mai Châu bao giờ cũng phải gắn liền với những điệu dân ca dân vũ của chính họ. Không phải ở cùng với người Mường mà giao thoa cả về chất liệu trong văn nghệ dân gian.
Không có dàn cồng chiêng đặc sắc, phong phú như của người Mường, nhưng người Thái (Mai Châu) lại sở hữu một kho tàng dân ca khổng lồ, những áng sử thi nổi tiếng, những điệu xòe uyển chuyển, mềm mại. Họ cũng là chủ nhân của những lễ hội nổi tiếng, như: lễ xên bản, xên mường, lễ chá chiêng, lễ mừng cơm mới…
Thanh Nga/VOV1
Viết bình luận