Ngày đầu năm có sấm, người Mông không gieo trồng
Thứ năm, 00:00, 09/03/2017 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài

​VOV4.VN – Người Mông ở Sa Pa có khá nhiều kinh nghiệm để tính toán thời điểm gieo mạ. Bà con chỉ cần nghe tiếng ve, hay nhìn con trâu đi ăn cỏ trên núi hay dưới thung là đoán biết được diễn biến thời tiết.


Ve kêu đi gieo mạ

Người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) không gieo mạ trực tiếp tại các thửa ruộng bậc thang. Người ta phải gieo mạ ở vùng thấp, để tránh giá lạnh mạ không thể lên mầm. Khi gieo, họ phải gieo đúng vào mùa con ve gieo mạ cất tiếng kêu râm ran. 

 

Theo ông Giàng Seo Gà, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Sa Pa: “Loại ve này cứ khoảng tháng 3 dương là có. Nó kêu“che, che, che, giẹ”… Đến mùa đấy là phải làm mạ. Qua thời điểm đấy là làm mạ không được nữa. Đang cấy, con ve sầu nó kêu, người ta bảo thằng này sang năm là “giầu to” rồi. Có nghĩa là nó quá vụ. Tức là cấm kỵ cấy. Phải cấy xong, lúa xanh rồi con ve sầu mới kêu thì mới ăn. Còn cấy mà kéo dài tới tận con ve sầu kêu, năm ấy là mất mùa”. 

Hoặc, có một loại chim người Mông gọi là “cốc ghi nhằng”, khi chim kêu cũng là lúc người dân phải đi gieo mạ. Đặc biệt, theo anh Giàng A Sài, ở thôn Sâu Chua, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, nhìn vào sự thay đổi bất thường của bò, của trâu người ta cũng có thể đoán định được thời tiết để chủ động cho việc cấy trồng. 

“Ví dụ con bò tự nhiên hôm đấy nó đi lên chỗ cao. Càng ngày nó càng đi lên cao là lúc đó trời sẽ rất là lạnh. Tại vì con bò nó nghĩ càng lên cao thì nó sẽ càng nắng ấm. Nhưng không phải, càng lên cao nó càng lạnh. Còn con trâu, tự nhiên thả rông mà hôm đấy nó quay về chuồng, y chang hôm đó sẽ có đợt rét đậm. Dựa vào đấy họ sẽ đoán định được để gieo mạ. Họ sẽ tránh mùa rét. Nếu gieo mạ sẽ hỏng hoặc không đảm bảo cho chất lượng mạ”.



Ruộng bậc thang Sa pa mùa nước đổ. Ảnh: pressonline.vn


Không gieo trồng ngày lập Xuân

Bên cạnh những kiến thức thực tế, để có một năm no đủ, người Mông còn có nhiều kiêng kỵ trong tâm linh. 

Họ kiêng ngày mùng Một năm mới thổi lửa vì sợ lửa cháy sẽ đốt mất “thần lúa”, năm đó ắt có bão giông, thậm chí gây hạn hán. Thứ hai, họ kiêng ăn cơm chan canh trong ngày đầu năm mới vì sợ cả năm mưa bão. Người Mông còn chọn cả ngày ủ mạ, gieo mạ riêng theo từng gia đình.

“Gia đình tôi thường ủ mạ vào ngày sửu, ngày hợi. Còn gieo vào ngày dần, ngày ngọ. Người ta quan niệm: Khi mình ngâm mạ vào ngày con trâu, con trâu đi tắm, con lợn đi tắm nước, nó hợp với tính chất ngâm nước của mạ. Khi mình gieo vào ngày con dần, con ngọ là những ngày nó kỵ nước, khô ráo một chút sẽ tạo sinh trưởng cho cây mạ kia. Nhưng không phải nhà nào hay dòng họ nào cũng làm giống nhau đâu. Nó tùy theo từng chủ nhà hợp với con gì. Hôm nay đúng con đấy nhưng trùng trong nhà có tang thì phải chọn ngày khác” – anh Giàng A Sài nói.

Ông Giàng Seo Gà còn bảo, trong ngày lập xuân, tức ngày có tiếng sấm đầu tiên, người Mông sẽ không đi cày, không gieo hạt. Đó là ngày không tốt cho gieo trồng:

“Vì người ta quan niệm ngày đó vừa có sấm, có chớp, có mưa, có lửa. Nếu mình cấy, mình gieo mạ vào ngày đấy, ánh chớp sẽ đốt cháy “thần lúa”. Hai nữa, ngày đó có nước. Nước sẽ trôi đi. Cho nên, người ta kiêng kỵ không cày, không gieo hạt, không cấy vào ngày lập xuân – ngày có tiếng sấm đầu tiên. Qua ngày đấy đã mình mới làm”. 

 

 

 

Thu Cúc/VOV4

Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC