Nghèo cỡ nào, mâm cỗ cúng vẫn đầy đặn
Thứ tư, 00:00, 24/08/2016 P bt P bt

(VOV4) - Tết mừng tiếng sấm đầu tiên, hay còn gọi là tết Chăm phtrong, tết mừng năm mới, là tập tục quan trọng nhất được người Ơ Đu lưu giữ đến ngày nay với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, việc trồng trọt, săn bắt thuận lợi hơn.

 

Theo bà Trần Thị Quỳnh Hoa, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, thời xa xưa, người Ơ đu chỉ dựa vào tiếng sấm để tính thời gian và biết thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới: "Người ta tính ngày tháng năm không theo lịch, mà chỉ căn cứ vào tiếng sấm. Có nghĩa là khi có tiếng sấm, khi đó là người ta tính lịch sang năm mới. Sấm có thể có vào đầu tháng 2, cũng có thể là đầu tháng 3. Cũng có những năm sấm muộn đến tận tháng 4 âm lịch chẳng hạn. Nhưng chỉ xoay quanh mấy tháng đó thôi".


Khi nghe tiếng sấm đầu mùa, người già uy tín nhất trong bản sẽ đánh một hồi chiêng dài. Nghe tiếng chiêng ngay sau tiếng sấm, con cháu ở đâu cũng biết như vậy là năm mới đã đến và cùng nhau tụ tập làm lễ cúng mừng năm mới.

 

Mâm cỗ cúng tổ tiên đầy đặn của người Ơ đu

 

Lễ vật trong lễ cúng gồm một con lợn trên dưới 20kg, một con gà trống thiến và 2 mâm cơm thịnh soạn. Chị Mạc Thị Tím, ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, bảo các món buộc phải có trong mâm cỗ cúng mừng tiếng sầm này là nhọc sóc, nhọc chuột, lạp cá, cá nướng, cá mọc, cơm lam, rượu cẩm: "không thể thiếu được, cho dù nghèo khó như thế nào cũng phải có".

 

Cũng theo chị Tím, rượu cúng tổ tiên của người Ơ đu phải là rượu nếp cẩm với vị ngọt đằm. Để có những chai rượu cẩm ngon, khi nấu xôi xong, người Ơ đu để thật nguội sau đó bỏ lượng men vừa phải và ủ kỹ từ 15 ngày đến 1 tháng, rối chắt lấy nước. Mùa nương rẫy, cho dù diện tích đất đai không nhiều, nhưng mỗi gia đình phải dành một khoảnh nương cấy giống nếp đen, để có nguyên liệu làm rượu cẩm. Nếu nhà khó khăn thì rượu nếp cẩm không dành để tiếp khách mà chỉ để thờ cúng tổ tiên thôi.


Thịt chuột cũng là món không thể thiếu trong mâm lễ cúng mừng tiếng sấm đầu tiên. Chị Mạc Thị Tím giải thích: "Ngày xưa ông bà tổ tiên ở trên rừng trên rú, khi mô cũng chỉ săn bắn hái lượm, thịt thì chỉ được ăn thịt chuột, thịt sóc. Còn thịt gà thịt lợn thì rất ít. Cho nên các cụ ngày xưa ăn gì thì giừ mình cúng tổ tiên mình thứ nấy".

 

Bà con tụ họp xem chân gà sau lễ cúng. Ảnh: KT


Người Ơ đu quan niệm rằng sau tiếng sấm thì con vật cất tiếng kêu đầu tiên là con gà, nên gà là linh vật  thần sấm gửi gắm thông điệp trong ngày đầu năm. Vì thế, sau lễ cúng chung, mỗi gia đình sẽ làm lễ cúng riêng và giữ lại đôi chân gà, nhờ ông thầy mo uy tín xem điềm báo cho năm mới trong gia đình mình. Nếu ngón giữa của chân con gà quặp xuống, hai ngón hai bên giơ lên trông giống hai chiếc ngà voi, là điềm tốt, báo hiệu một năm mới nhiều may mắn.

 

Cũng giống như nhiều dân tộc khác, trong ngày tết này, trên bàn thờ của mỗi gia đình người Ơ Đu được trang trí rất cầu kỳ, với các loại giấy ngũ sắc rực rỡ. Nhưng tuyệt nhiên không được dùng giấy màu đỏ, bởi bà con Ơ đu rất sợ lửa.

 

 

    Hồng Nhung/VOV4

P bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC