(VOV) – Với đồng bào Mông, mỗi khi hoa cỏ lào nở trắng núi rừng là xuân đang về. Và lúc đó, đồng bào tất bật chuẩn bị đón tết cổ truyền.
Khi mọi công việc chuẩn bị tết hoàn tất, khoảng 16 giờ chiều 30 Tết, đồng bào Mông sẽ lựa chọn một người đàn ông lớn tuổi, có uy tín trong dòng họ, đứng ra làm lễ trừ tà cho cả họ.
Lễ vật là một con gà trống đã có cựa dài và một dây cỏ tranh, một đầu buộc lên phía trên cao khoảng 2m, một đầu buộc dưới chân của cành cây đặt ở giữa bản. Mỗi gia đình cử một người đại diện ra làm lễ (gọi là Lử Su).
Vị chủ lễ túm con gà trống lia đi lia lại, mọi người đi vòng quanh dây cỏ với mong muốn mọi điều không may sẽ qua đi theo năm cũ, bước sang năm mới may mắn, an lành, hạnh phúc. Rồi bà con mang con gà và cây buộc dây cỏ tranh ra đầu làng, cắt tiết gà quẹt trên sợi cỏ tranh, bỏ lại dây cỏ ở ngã ba, để những gì không may mắn của năm cũ theo con đường ra đi.
Cúng tổ tiên
Sau phần lễ trừ tà, các ông chủ nhà của mỗi gia đình sẽ nhanh chóng trở về để làm thủ tục cúng đêm 30 tết. Đầu tiên là lấy 3 cành cây tre có lá và một miếng vải đỏ buộc với nhau để quét nhà, người Mông gọi là quét bồ hóng, quét bụi đen (qêz nkhơưz) bắt đầu từ gác bếp chính sang gác bếp phụ, đi ra cửa chính, rồi đem đi đổ xa nhà.
Quét xong bồ hóng, gia chủ sẽ cắt giấy thành hình chữ nhật để dán lên cột chính ở gian bếp chính, rồi lần lượt dán lên xà ngang trên cửa chính, cửa phụ, cửa sổ; dán lên cán cuốc, cán xẻng đã được thu gom về để giữa gian nhà chính; dán giấy lên chuồng gà, chuồng lợn, kho ngô quanh nhà.
Ông Vừ Sua Ly, ở xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La, nói rằng người Mông dán giấy để sang năm mới gia đình luôn bình an, các thành viên đi làm nương rẫy, đi rừng chặt cây chặt củi không bị tai nạn.
Đồng bào Mông, sau một năm lam lũ vất vả, sang năm mới ai cũng cầu mong sức khoẻ, may mắn, lúa ngô đầy bồ, nên bà con tổ chức gọi hồn cho cả gia đình. Bà con lấy cho các thành viên trong nhà mỗi người một quả trứng, lại lấy dư 2 quả cho vào rổ trứng của gia đình, và đôi gà nhỏ đủ trống mái để gọi hồn các thành viên trong gia đình.
Hai quả trứng dư ra ấy, một quả để gọi hồn gia súc gia cầm, hồn lúa ngô, hồn tiền bạc; một quả để gọi hồn ma nhà, thổ địa về ăn tết cùng gia đình.
Gọi hồn
Sau khi gọi hồn xong, rổ trứng được đặt dưới chân bàn thờ gian chính giữa nhà. Hai con gà gọi hồn được mổ thịt, luộc chín, thêm ít cơm để làm lễ gọi hồn lần thứ 2.
Tối 30 Tết, ông chủ nhà cắt một mảnh giấy vuông, tỉa phía dưới hình răng cưa thay mảnh giấy Xử ka cũ (các vị thần được người Mông coi như thần Tài) và làm thủ tục dâng cúng con gà trống còn sống trước Xử ka để Xử ka làm chứng rằng gia chủ đã có lòng dâng cúng. Sau khi cúng xong, ông chủ cắt tiết con gà trống và lấy 3 túm lông ở cổ con gà chấm vào tiết gà mới cắt, dính lên mảnh giấy mới treo lên tường nơi vừa hạ mảnh giấy cũ xuống.
Sau khi luộc gà chín sẽ cúng lần thứ 2, lần này có gà và cơm để mời vợ chồng Xử ka về ăn tết.
Mâm cỗ cúng tổ tiên đêm 30 có cơm, thịt gà hoặc thịt lợn, một bát canh, 3 cái thìa dựng thẳng vào rá đựng cơm và một chén rượu. Nếu gia chủ không biết cúng, sẽ mời một người trong dòng họ đến cúng tổ tiên hộ cho gia đình.
Khi mọi thủ tục cúng đã hoàn tất, cũng là lúc các thành viên trong gia đình và bạn bè ngồi vào mâm cơm tất niên để nâng li rượu chúc nhau sức khoẻ.
Mặc dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng người Mông ở Sơn La vẫn gìn giữ được những phong tục trong ngày Tết của dân tộc mình. Và nghi lễ cúng 30 Tết được đồng bào gìn giữ, gửi gắm những mong đợi lành trong năm mới.
CTV Và Thị Lia
Viết bình luận