Nghi lễ kéo co độc đáo của người Tày
Thứ hai, 00:00, 30/01/2017

(VOV) - Kéo co là một nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội Lồng Tồng ( Xuống đồng) của người Tày. Không đơn giản là một trò chơi dân gian gắn với tín ngưỡng cầu mùa, kéo co còn là một nghi lễ để đồng bào gửi gắm ước nguyện về cuộc sống no đủ, hạnh phúc, khoẻ mạnh, gắn kết cộng đồng. Nghi lễ này được vinh dự góp phần làm nên Di sản văn hóa phi vật thể Kéo co của các nước vùng Đông Nam Á.

Người Tày ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, thường ăn tết kéo dài tới rằm tháng Giêng, đến lễ hội Xuống đồng rồi mới đem cày bừa, cuốc xẻng xuống ruộng bắt đầu việc nông tang.

 

Với bà con nơi đây, dù hoa ban, hoa mận có đẹp đến mấy cũng sẽ mất đi một nguồn sức sống nếu thiếu đi nghi lễ kéo co trong lễ hội Xuống đồng. Ông Lục Văn Tỉnh bảo: “Một năm của người Tày mở lễ hội mà không được kéo co thử tài thì coi như năm ấy làm ăn không được gặp may mắn, cảm thấy cứ day dứt trong người. Cho nên, năm nào vào đầu năm cũng phải có lễ hội Xuống đồng để đua sức đua tài nam nữ với nhau”...

 

Thầy cúng làm lễ cúng xin phép thần linh mở hội kéo co

 

Để chuẩn bị cho ngày hội kéo co, người Tày phải trải qua rất nhiều nghi lễ, bắt đầu từ việc lên rừng tìm một loại dây rừng có tên là chừ thảo me me, mọc trên những đồi núi đá tai mèo. Phải tìm dây thẳng, tuổi từ 5-10 năm, dài từ 15-20 mét,  có thể chịu được sức kéo của cả trăm người.

 

Trong lễ hội Xuống đồng, nghi lễ kéo co được tổ chức trên một cánh đồng bằng phẳng ở trung tâm làng. Trước khi các đội kéo co tranh tài, người dân trong thôn phải chuẩn bị lễ vật và chọn thầy cúng làm lễ xin thần linh chứng giám, phù hộ cho dân bản có sức khỏe, hạnh phúc, vụ mùa bội thu và xin phép được kéo co đua tài.

 

Nét độc đáo của nghi lễ kéo co là đội hình tham gia kéo co được chia thành 2 bên nam nữ, mỗi bên 5 người, sao cho âm dương hòa hợp. Đội nữ bao giờ cũng ở phía mặt trời mọc, tượng trưng cho sự tươi sáng, trong lành, sinh sôi, phát triển.  Muốn đi kéo co, người ấy gia đình phải hạnh phúc,  không cờ bạc, rượu chè.

 

Người dân và du khách hào hứng trong ngày hội kéo co của người Tày

 

Một hồi trống vang lên, cả 2 đội ra sức kéo. Tiếng trống hội cùng tiếng hò reo làm sôi động, rạo rực cả một vùng. Người Tày quan niệm bên nào thắng, bên đấy sẽ mạnh khoẻ cả năm, làm ăn phát đạt. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ, nam phải nhường cho nữ một tí. Thường là những năm như Thân, Thìn, Tỵ , phần thắng thuộc về phụ nữ nhiều hơn. Còn những năm khỏe như năm Dần, Ngọ, Sửu, thì đàn ông thắng.

 

Khi trận kéo co được phân thắng bại cũng là lúc kết thúc phần nghi lễ. Tiếp đó là các trận kéo co giao lưu giữa người dân trong thôn và du khách. Hết hội, sợi dây kéo được bà con cuộn lại, đem vào đền thờ thành hoàng làng cất giữ, để lễ hội năm sau mới đem đốt bỏ như một tín vật của lời hứa với thần linh.


 

Hồng Bắc/VOV-Trung tâm Tin

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC