Nghi thức về Mường Trời của người Tày ở Bình Liêu, Quảng Ninh
Thứ ba, 16:17, 26/09/2023 Hoàng Hiền/VOV Đông Bắc Hoàng Hiền/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Với người Tày ở Bình Liêu (Quảng Ninh), tang ma là lễ thức cuối cùng trong chu kỳ cuộc đời của một con người trên cõi trần gian, để bước sang một thế giới mới mà dân gian Tày thường gọi là Mường Trời - một thế giới siêu thực, huyền bí, nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tâm thức tộc người.

 

Nghi lễ trong tang ma của người Tày ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) thể hiện quy tắc ứng xử giữa cá nhân trong gia đình, dòng tộc với cộng đồng thôn bản. Sự ứng xử đó tạo nên mối giao ước, những quy tắc không chỉ liên quan đến người chết, mà còn ràng buộc người sống với nhau, buộc con cháu phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với dòng họ, cộng đồng làng bản. 

"Khi nghe tin người trong dòng họ qua đời, tất cả các gia đình người Tày ở Bình Liêu trong họ tộc bắt đầu ăn chay, trừ một nhánh họ Ngô, họ Đống là vẫn ăn thịt. Họ kiêng cả việc dùng mỡ lợn để xào nấu cho đến khi đưa đám lên đồi." - Anh Chu Đình Thép, cán bộ Văn hóa trung tâm huyện Bình Liêu, cho biết.

Việc ăn chay thể hiện lòng thương tiếc của những người còn sống đối với người vừa nằm xuống. Ngoài ra, trong thời gian dòng họ có tang, thầy Tào được mời đến để chủ trì các nghi lễ; vợ chồng không được gần gũi, ai cố tình vi phạm sẽ dễ gặp xui xẻo. Con gái đi lấy chồng khi cha, mẹ qua đời, nếu nhà có điều kiện thì đem đến một con lợn để tế. Lợn khi mang đến tế xong sẽ chia cho thầy Tào vài cân, lấy phần hay không thì tùy, thày Tào cũng có thể gộp lại để tại gia đình tang chủ làm cỗ. Nếu nhà có vài chị em gái, các chị em sẽ góp chung một con lợn. Còn nhà khó khăn thì chỉ cần đem đến một con ngan. Ngoài ra, các con còn lo thêm “kiệu” (Nhà táng) cho bố hoặc mẹ. Con trai, anh trai hoặc cháu trai thì lo con lợn tế, làm con ngựa, đan bằng tre và dán giấy...

"Người Tày ở Bình Liêu chuẩn bị các đồ lễ chu đáo cho người đã khuất. Họ đi gọi thầy Tào về làm tất cả các nghi lễ đưa linh hồn người mới nhắm mắt về thế giới bên kia và bắt đầu ăn chay. Lễ ăn chay này còn được làm lúc sang cát khoảng 7-8 năm sau. Nếu bốc mộ, con cháu sẽ ăn chay một bữa trưa. Khi nào thầy làm xong thì mới ăn uống như bình thường." - Thầy Tào Hoàng Văn Mộc (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) cho biết thêm.

Bà con trong bản tập trung bàn bạc về thời gian tổ chức đến viếng và giúp đỡ gia đình có người chết. Thường thì một bản chia làm 2 tổ, luân phiên giúp việc đám hiếu, mỗi nhà sẽ tự góp 2kg gạo, 50 ngàn đồng và một vác củi. Ông tổ trưởng sẽ cắt cử người đến nấu nướng, dọn dẹp, phân công người đi đào huyệt và chọn 8 người khiêng quan tài ra huyệt. Anh em con cháu trong nhà không phải động tay vào những công việc này, chỉ phục linh và chịu tang.

"Trước đây, con cháu chịu tang 100 ngày. Nhiều nhà còn người già, họ sẽ đội khăn đủ 1 năm mới tháo khăn tang. Người chết trẻ thì không nói, chứ người già đã thọ được 60, 70 tuổi trở lên, con cháu đội tang còn không được cắt tóc. Nhưng giờ, đời sống thay đổi rồi, 12 ngày đã không kiêng cữ gì nữa, bàn thờ của người đã khuất cũng được để lên cao với ông bà tổ tiên. Trong 12 ngày này thì phải kiêng không được đến nhà người khác, với quan niệm đừng đem đau buồn, xui xẻo ra ngoài." - Ông Lương Thiêm Phú (thị trấn Bình Liêu, Quảng Ninh) cho biết.

Ngày nay, được các cấp chính quyền tuyên truyền và nhận thức của bà con đã thay đổi, đám ma của người Tày ở Bình Liêu (Quảng Ninh) tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm và diễn ra trong thời gian ngắn. Các nghi thức trong tang lễ được chắt lọc giữ gìn, vừa thể hiện sự tiếc thương, tri ân của người sống đối với người chết, vừa gắn liền với quan niệm nhân sinh của đồng bào, thể hiện mong ước về sự hồi sinh trong cuộc sống./.

Hoàng Hiền/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC