(VOV4) - Trước kia, phụ nữ dân tộc Brâu phải vào rừng sinh nở. Và điều này là vì đứa trẻ cần phải được sinh ra ở đó, theo quan niệm của bà con.
Một số người lý giải về tục lệ này của người Brâu rằng: sản phụ khi sinh con không được sạch sẽ, làm ảnh hưởng đến không gian buôn làng, nên phải vào rừng đẻ, thậm chí là tự đẻ.
Nhưng theo tiến sỹ Bùi Ngọc Quang, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, người đã dày công nghiên cứu về dân tộc Brâu, thì với người Brâu, việc đứa trẻ chào đời trong không gian núi rừng là một điều thiêng liêng.
"Đời người gắn với rừng, sống ở rừng, lấy thức ăn ở rừng, làm việc ở rừng. Có thể hiểu xâu sa hơn, đẻ rừng có nghĩa là đứa con ấy đã chào đời trong không gian thiêng, và nó sẽ là thành viên của rừng núi, là đứa con của rừng núi chứ không phải đơn giản là vệ sinh hay không vệ sinh. Và đứa con ấy phải được chứng minh rằng nó được đẻ ra hoàn toàn tự nhiên, nó sinh ra như cái cây và nó mọc trong tự nhiên mà không cần sự trợ giúp gì cả. Đó là ý niệm mang sức mạnh tự nhiên, như một cây đại thụ, từ mầm mà thành cây đại thụ. Đây là nghi thức xa xưa và thiêng liêng nhất của những con người sinh sống ở rừng" - Theo TS Quang.
Người Brâu sống ở Kon Tum. Ảnh: baomoi.com
Trong tục đẻ rừng của người Brâu ở Tây Nguyên thì người chồng có vai trò mờ nhạt, không giúp được gì nhiều khi người phụ nữ sinh con. Người vợ sắp đến ngày sinh thì ông chồng sẽ làm cho cái chòi, vào trong đấy nằm chờ đẻ. Ông chồng mang gạo hay mang cơm đặt ở đấy rồi về. Người phụ nữ tự nấu cơm, tự nấu thức ăn, tự ăn, tự uống tại chòi của mình.
Phụ nữ Brâu tự sinh con, dùng cật nứa làm dao cắt rốn cho đứa trẻ, rồi cho đứa bé xuống suối tắm. Thường thì chòi sinh được làm sát dòng suối, bởi theo họ, nước gắn với sự sống.
Không ít trường hợp khi đẻ rừng, điều không may đã đến với mẹ con sản phụ. Nhưng một khi đứa trẻ may mắn sống sót thì chắc chắn sẽ trở thành đứa trẻ khỏe mạnh, có sức chống chọi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.
Sau sinh khoảng 2-3 ngày, hai mẹ con sẽ trở về làng. Lúc này, đứa trẻ sẽ được gia đình, được bà con trong làng đón nhận và được về ở trong ngôi nhà của mình, được chăm sóc chu đáo.
Với nhiều người, việc đưa người sản phụ vào rừng sinh con là một hủ tục cần phải bài trừ. Nhưng theo Tiến sỹ Bùi Ngọc Quang, phải nhìn nhận một cách thực tế về văn hóa, tín ngưỡng của họ để đánh giá mới chính xác.
"Đó là quan niệm mang tính thiêng, mang tính tâm linh nhiều hơn. Đứa trẻ là cái mầm của rừng, con người của rừng núi, sinh ra ở rừng núi. Nếu mình nhìn ở một góc độ khác, nhìn ở một nền văn hóa khác, một lát cắt xã hội khác thì mình cho đó là hủ tục, lạc hậu. Nhưng nhìn ở góc độ tâm linh, phải chăng đứa con này nứt ra từ rừng núi, lớn lên như một cái cây giữa rừng. Ở một tầng văn hóa đấy, ở tộc người đấy thì họ không cho rằng lạc hậu, họ cho rằng đó mới là thiêng liêng. Giải mã văn hóa trong chính lát cắt đấy thì mình không gọi là hủ tục" - TS Quang nói.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận