Người Chăm: có tiền cũng không được làm nhà theo ý thích
Thứ hai, 00:00, 18/07/2016 Hải Huyền bt ctsm .2 Hải Huyền bt ctsm .2

(VOV4) – Người Chăm xây nhà luôn là cao phía Nam và thấp phía Đông. Duy nhất có một ngôi nhà trong khuôn viên nhà Chăm được quay về hướng Đông đó là nhà thang tôn. Vì sao lại như vậy?


Khuôn viên nhà truyền thống có 5 – 7 nóc

 

Người Chăm cư trú thành từng làng. Trong làng, các khuôn viên nhà nối tiếp nhau theo trục bắc – nam. Mỗi khuôn viên nhà truyền thống của người Chăm có hình chữ nhật và thường có 5 – 7 nóc nhà tùy theo điều kiện kinh tế gia đình và tầng lớp xã hội.

 

Đầu tiên là nhà bếp (thang ging), nhà tục (thang dơ) – nơi dành cho đôi vợ chồng mới cưới ở. Đây là ngôi nhà quan trọng nhất của người Chăm vì mọi nghi lễ của gia đình (tang ma, cưới hỏi…) đều diễn ra nơi đây.

 

Tiếp đó là nhà ngang (thang cần) – nơi bố mẹ và các anh chị em chưa vợ, chưa chồng ở. Sau nhà ngang là nhà song hay còn gọi là nhà kề (thang mư dâu). Đây là ngôi nhà mà vợ chồng người chị gái đầu sẽ ở khi cô em gái thứ hai lấy chồng, nhường lại ngôi nhà tục cho vợ chồng em gái. Cuối cùng là đến nhà cao (thang tôn) – ngôi nhà dành cho người già, người có chức sắc.

 

 


Khuôn viên nhà của một gia đình quý tộc người Chăm Bà-la-môn ở Ninh Thuận dựng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: BTDTHVN

 

Người Chăm tầng lớp bình dân, người nghèo có 5 ngôi nhà như vậy. Tầng lớp quý tộc, chức sắc còn có thêm ngôi nhà cối xay và nhà để nông cụ. Nhà ngang của tầng lớp quý tộc không được gọi là thang cần mà gọi là thang lâm.

 

Thứ tự ngôi nhà vừa kể cũng chính là thứ tự công trình người Chăm sẽ xây khi làm một khuôn viên nhà để ở. Duy chỉ có nhà bếp và nhà tục, nếu có điều kiện người ta có thể làm hai nhà này cùng lúc trong một năm. Còn các ngôi nhà khác phải đợi năm khác.

 

Theo TS Lê Duy Đại, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, các nhà phải làm khác năm vì người Chăm quan niệm một năm chỉ đẻ được một người thôi, nên chỉ làm được một nhà.

 

Không phải cứ có tiền sẽ được làm nhà theo ý muốn!

 

Khi dựng nhà, người Chăm tuân thủ những nguyên tắc bất di bất dịch phân theo tầng lớp và địa vị xã hội. Tầng lớp bình dân, cho dù có tiền sẽ không được dựng nhà thang lâm. Tuổi nhỏ, hoặc không thuộc thành phần chức sắc, muốn ở nhà thang tôn cũng không được phép. Đồng bào quan niệm có ở cuộc đời cũng sớm lụi tàn, gia đình không yên ấm.

 

Chọn đất làm nhà cũng được người Chăm chú ý. Theo ông Thành Mây, ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, thế đất ấy phải cao bên phía mặt trời lặn và thấp bên phía mặt trời mọc. Như vậy cuộc sống mới tốt lành, vạn vật sinh sôi.

 

Về điều này, theo TS Lê Duy Đại, khuôn viên nhà Chăm, rộng ra là làng Chăm, bao giờ người ta cũng chọn núi phía Nam, sông phía Bắc, cao phía Tây, thấp phía Đông. Nước phải chảy từ Tây nam qua Đông bắc. Cây cối nơi ấy xanh tốt:

 

“Người Chăm quan điểm hướng Đông bắc là hướng khởi hành của mọi hướng, là hướng phát sinh, mà chỗ ấy theo quan niệm của người Kinh là trũng, nước dồn vào đấy tức là tụ hội thì thành ra Bắc là phải thấp. Nam phải cao, còn phía Tây phải cao hơn phía Đông”.

 

Cùng với việc chọn hướng cho thế đất, hướng của các ngôi nhà cũng có những quy định riêng. Người Chăm làm nhà hướng Nam. Ngôi nhà thang mư dâu có hai hướng: một hướng quay về phía Nam, một hướng quay về phía Tây. Hướng nhà bếp có mặt tiền quay về phía Đông. Nhà thang dơ mặt tiền lại quay về phía Đông. Nhà thang cần có cả hướng Tây – nam.

 

Ông Thành Mây phân tích: “Hướng Nam của người Chăm là thờ thần lửa, là hướng lửa, hưởng thụ lửa. Còn hướng Tây thì là hướng vàng bạc”.

 

Kỵ làm nhà hướng Đông

 

Người Chăm không xây nhà theo hướng Đông. Duy nhất có một ngôi nhà trong khuôn viên nhà Chăm được quay về hướng Đông là nhà thang tôn. Bởi người Chăm cho hướng Đông là hướng của thần thánh, chỉ có đền tháp mới quay về hướng Đông.

 

“Ngôi nhà thang tôn lại quay về phía Đông vì người ở trong ngôi nhà là tầng lớp chức sắc. Tầng lớp passé, thầy dân gian, thời có lý trưởng, quan chức của làng xã thì được ở cái nhà này. Và đối với người dân, những người trên 50 tuổi, theo người Chăm là những người thần thánh, thoát tục rồi. Những người ấy mới được ở ngôi nhà thang tôn  – TS Đại nói.

 

Chọn được khuôn viên nhà, người Chăm sẽ đóng 4 cọc, 4 góc theo hướng Tây bắc, Đông bắc, Tây nam và Đông nam. Hai cọc Tây bắc, Đông bắc là bất di, bất dịch.

 

Đặc biệt, khi xây nhà, với người Chăm, việc xác định điểm hỏa là điều tối quan trọng. Người ta sẽ căng dây từ cột Tây nam lên cột Đông bắc và từ cột Tây bắc đến Đông nam. Điểm giao nhau giữa hai đường chéo này là tâm điểm của khuôn viên và người Chăm gọi nó là điểm đại hỏa. Điểm này cần phải tránh, không được làm nhà lên, cửa ra vào không được đặt vào đấy. Đặt trên đấy là ngồi trên đống lửa, gia đình sẽ lụn bại. Giữa nhà thang dơ, thang cần hoặc thang lâm có cái máng nước. Giữa hai ngôi nhà thang mư dâu và nhà thang dơ cũng có một cái máng nước. Hai máng nước đổ tập trung về đúng điểm hỏa này, như để dập tắt đống lửa.

 

Cho đến ngày nay, những nguyên tắc ấy không hề thay đổi trong cách thức người Chăm dựng nhà.

 

 

 

Đỗ Quyên/VOV4

 

Hải Huyền bt ctsm .2

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC