Người Cơ tu bẫy chim bằng nhựa cây
Thứ ba, 00:00, 18/10/2016 Hải Huyền bt ct Hải Huyền bt ct

(VOV4) - Từ tháng 9 – 12 dương lịch, lúa trên rẫy và hoa quả chín nhiều, chim bay về từng đàn, những người đàn ông Cơ tu bắt đầu mùa bẫy chim. Và họ bẫy chim bằng nhựa cây rừng.


Thợ săn Cơ tu thuộc tập tính của chim rừng

 

Trước mùa bẫy chim vài tháng, những thợ săn Cơ tu đã phải lên rừng tìm tre. Người ta chặt từng khúc tre khoảng 50 – 60cm, rồi chẻ ra hàng trăm que nhỏ, vót thật nhẵn, một đầu dẹt. Một mùa đánh chim, một người chuẩn bị tới 200 – 300 que tre như thế. Họ vào rừng sâu tìm cây loong gi – một loại cây thân gỗ, có vỏ dày để lấy nhựa. 



Dụng cụ đi săn của đàn ông Cơ tu. Ảnh: baoquangnam.vn

Theo TS Lưu Hùng, nguyên Phó giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, có nhiều công trình nghiên cứu về tộc người Cơ Tu, lấy nhựa bẫy chim cũng phải đúng cách: “Người ta chọn những cây có vỏ dày trên nửa cm. Cỡ ấy có nhiều nhựa. Bóc vỏ, giã nhỏ. Sau đó mang xuống suối, vò đi vò lại, rồi giũ nhiều lần để cho hết lớp xác vỏ, còn lại chỉ là nhựa thôi. Sau đó cho vào ống nứa sử dụng”. 


Hàng loạt những que tre mảnh, dẹt được cắm vào ống để tẩm nhựa. Để bắt chim, họ phải tìm “trận địa” giăng bẫy. Từ trước đó rất lâu người ta đã khổ công vào rừng quan sát đường chim bay qua, chọn những cây cao, thuận lợi cho chim sà xuống. Những cây rừng là nơi bẫy chim ấy hiếm khi người ta chặt. Một gia đình có thể có 5 – 7 chỗ bẫy chim như thế trong rừng. 



Giăng “trận địa” bẫy chim rừng

 

Khoảng 5h sáng, rất cẩn thận, thợ săn Cơ tu trèo lên cây, cắm những que tre tẩm nhựa loong gi vào tất cả những cành cây chim hay đậu. “Người ta cắm và bố trí rất khéo léo, phải tính làm sao để khi con chim sà xuống, hai cánh của nó xòe ra, dính vào bẫy nhựa rồi rơi xuống đất, chứ không phải cắm bừa bãi” – TS Lưu Hùng nói.



Thành quả sau mùa đi săn. Ảnh: baoquangnam.vn


Sẽ thiếu sót nếu như không nhắc đến tài bắt chước tiếng chim – nghệ thuật bắt chim đỉnh cao của những người đàn ông Cơ tu. Người ta đặt vào “trận địa” giăng sẵn ấy một con chim thật hoặc chim bằng gỗ. Sau đó, thợ săn nấp thật kín và quan sát. Khi thấy đàn chim bay tới, họ huýt gió, bắt chước đúng tiếng của chúng. Bị thu hút bởi âm thanh, lại trông thấy chim mồi, lũ chim sà xuống. Đây là cách thợ săn Cơ tu bắt chim yểng, chim phượng hoàng đất vào mùa mưa.


“Nghe kể về những cuộc bẫy chim vào mùa mưa sầm sập như thế tôi cũng thấy hào hứng. Người ở mảng rừng bên này, người ở mảng rừng bên kia, người ta hú lên, thông báo cho nhau kết quả của ngày hôm đấy. Rất là vui. Rất là hồ hởi” – TS Lưu Hùng kể. 


Mùa khô, họ lại giăng que nhựa tại các dòng suối nhỏ để bắt bìm bịp, gà rừng và những loại chim nhỏ. Tại khúc suối cạn chỉ còn vài ba vũng nước, họ lấy cành cây lấp kín, chừa ra những khoảng nhỏ để cắm các que nhựa. Chim khát nước, sà xuống uống, sẽ bị dính bẫy nhựa. 

 


Săn thú rừng phải biết ngụy trang

 


Ngày trước, mùa lúa chín, lợn rừng kéo về kiếm ăn. Để bảo vệ thành quả trồng trọt, đàn ông Cơ tu chuẩn bị giáo mác để săn lợn rừng.

Ngày mưa triền miên, lợn rừng chỉ nằm trong ổ. Đi săn ắt trúng lớn. Lợn rừng vô cùng thính, có thể đánh hơi thấy mùi người từ khoảng cách rất xa. Vì thế thợ săn phải biết đoán hướng gió để tránh lợn rừng phát hiện ra mình. Khi đi săn lợn rừng, thợ săn thường đi riêng lẻ hoặc bố con, anh em rủ nhau đi. Kiểu săn này đòi hỏi họ phải là những người can đảm.


Khi săn voi, người ta cởi trần, đóng khố, lấy phân voi trát khắp người để voi không thể nhận ra hơi người. Bắt voi là việc chỉ những dũng sĩ mới làm được.



Đi săn phải kiêng "gần" vợ

 

Trước khi đi săn, những người đàn ông kiêng gần vợ. Họ tập trung tạigươl – ngôi nhà chung của làng, cầu khấn thần rừng Cmo r’ba và ngủ tại đó.


“Ra nhà gươl còn một ý là để được báo mộng, xem kết quả có tốt không. Ví dụ xem tiếng chim kêu ở phía trước, bên trái hay bên phải. Nếu điềm báo nguy hiểm, người ta phải quay về. Sau vài cuộc đi săn không kết quả, phải giải hạn. Người ta làm cả hoa tai dâng cúng cho Cmo r’ba ngoài lễ vật khác như rượu, thịt, cơm. Khi săn được thú về cũng phải tạ ơn Cmo r’ba" - TS Hùng nói.

 

Thắng lợi trở về, lông chim đẹp hay sọ của con thú lớn được treo lên vách sau trong nhà gươl, để linh hồn con thú lẩn quất ở đó sẽ rủ những con khác về. Thậm chí, bắt được lợn rừng, họ lấy một cây mía tím, trói lợn vào khiêng về. Lá mía để trên bụng lợn. Người ta sẽ nói: “Lợn nhé, tại mày ăn mía của tao. Tao mới buộc lòng phải bắt mày thế này”. Đó là lời biện hộ cho hành động săn bắt của mình, bởi người Cơ tu tin rằng nếu không làm thế, hồn ma của con lợn sẽ trả thù, báo cho những con khác không đến nữa. 


Ngày nay, người Cơ Tu không còn săn bắt chim muông như một kế sinh nhai. Chuyện bẫy chim, săn thú giờ hầu như chỉ còn là chuyện cũ kể lại, để thấy người xưa thông minh, khôn khéo.

 

 

Lan Vàng/VOV4

Hải Huyền bt ct

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC