Người Cống đuổi ma trước khi lên nhà mới
Thứ tư, 00:00, 14/12/2016

(VOV4) - Trong lễ lên nhà mới của người Cống, thủ tục đầu tiên, quan trọng nhất là nghi thức đuổi ma. Ma rừng, ma cây ma cối đeo bám ngôi nhà, phải đuổi được ra thì nhà mới yên ổn.

 

Người thực hiện nghi lễ đuổi ma trước khi lên nhà mới thường là chính chủ nhà. Nếu chủ nhà không am hiểu phong tục, không biết cách đuổi ma thì có thể mời thầy cúng làm giúp thủ tục này.

 

Chuẩn bị lên nhà mới, tất cả mọi người gồm ông chủ nhà, các thành viên gia đình và những người dự lễ tập trung dưới sân, đồ đạc cũng để luôn tại đó. Người ta sẽ cử ra một người đàn ông cao niên, am hiểu phong tục lên ngồi sẵn trong ngôi nhà mới. Người này tượng trưng cho ma rừng, ma cây, ma cối vẫn đeo bám ngôi nhà, đuổi người này ra cũng tức là đuổi được ma ra khỏi nhà.

 

Mâm lễ cúng trước khi lên nhà mới người Cống. Ảnh: dantri.com

 

Ông chủ nhà cắm con dao vào chân cầu thang và hỏi: nhà này có tốt không, tôi ở xa mới tới, đến đây cũng đã muộn, cho tôi nghỉ nhờ. Người Cống cho rằng chưa làm lễ thì ma rừng theo gỗ về nhà. Thế nên người nấp trong nhà giả như tiếng thiên nhiên trả lời: Nhà tốt đấy, lên đi, lên đây ở may mắn mạnh khỏe nhé. Nói xong ông ta lẻn ra cửa sau.

 

Khi người đàn ông tượng trưng cho ma rừng vừa đi khỏi, chủ nhà thắp đóm, khoác nỏ hoặc cung cùng ống tên, dắt vợ con và đoàn người lên nhà mới. Vừa lên họ vừa hò reo: nhà tốt đấy, lên đi. Tới cánh cửa lúc này còn đang khép, chủ nhà đạp mạnh cánh cửa ra, đưa đóm đang cháy cho người khác cầm hộ rồi lên dây cung, lắp tên, bắn 3 mũi vào cây cột chính trong nhà.

 

Anh Bùi Quốc Khánh, Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch Lai Châu, cho biết việc bắn tên tượng trưng cho việc bắn chết những ma tà còn cố nấn ná, chưa chịu ra ngoài. Tuy nhiên, đây là nét phong tục ảnh hưởng từ văn hóa dân tộc Thái.

 

"Tục này thì người Cống du nhập của người Thái vì từ lâu rồi người Cống được biết đến là ở nhà sàn. Tuy nhiên trước kia, theo dòng chảy chung của các dân tộc nhóm Tạng Miến thì họ ở nhà trệt. Sau khi du nhập văn hóa nhà sàn của người Thái thì họ du nhập luôn lễ lên nhà mới của người Thái. Bắn cung vào cột là để đuổi ma, cung thì thường là cung giả, họ bắn tên giả làm lý thôi, rồi họ giậm chân xuống sàn, quát tháo để đuổi ma, thì cái đó là của người Thái".

 

Sau khi bắn cung đuổi ma, vợ chồng chủ nhà sẽ lấy lửa từ nắm đóm, nhóm vào các bếp trong gia đình, bắc chõ đồ xôi, chế biến đồ ăn thức uống thết đãi bà con. Nắm đóm cũng là một dụng cụ để đuổi ma bởi người Cống quan niệm ma tà thấy lửa sẽ sợ và chạy đi xa.

 

Là đại sự nên ngày lên nhà mới được người Cống lựa chọn rất cẩn thận. Nhưng quy định chọn ngày lành, tránh ngày xấu trong phong tục của người Cống cũng không quá cầu kì, phức tạp. Ngày lên nhà mới không được trùng với ngày chôn của bố mẹ đã chết. Ngày sinh của chủ nhà cũng kiêng vì quan niệm lúc đó là hồn yếu, làm vào ngày này, đông người, ồn áo, hồn sợ hồn bỏ đi.

 

Ngày xưa, người Cống chọn lên nhà mới vào lúc xế chiều.  Nay, học theo các dân tộc khác, họ lên nhà mới lúc sáng sớm. Có ý kiến cho rằng việc người Cống xưa chọn thời điểm xế chiều để làm lễ lên nhà mới bởi đây là thời điểm vạn vật quần tụ, trâu bò gà lợn về dưới gầm sàn, con người tề tựu trong tổ ấm của mình. Lên nhà mới trong khoảng thời gian này sẽ tập hợp được sức mạnh của cả gia đình, áp đảo được các thế lực ma tà.

 

Trừ dịp tết nguyên đán, trong một năm, chỉ khi có gia đình vào nhà mới, người Cống mới đem cồng chiêng ra tấu.

 

 

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC