Người Cống mang dao đi ở rể
Thứ sáu, 00:00, 09/12/2016

(VOV4) - Người Cống ở Lai Châu không đặt nặng chuyện tiền thách cưới của nhà gái. Đổi lại, chàng trai người Cống phải ở rể một thời gian để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ vợ. Trong khoảng thời gian này, các chàng trai phải chứng minh được cho gia đình nhà gái thấy mình có đủ bản lĩnh để chăm lo cho vợ con. Nếu không làm được điều ấy, thì chàng rể đừng mong đưa được cô dâu về nhà.



 

Khi một đôi trai gái dân tộc Cống phải lòng nhau, chàng trai sẽ đưa người yêu về ra mắt gia đình mình. Nếu được chấp thuận, bố mẹ chàng trai chọn ngày lành tháng tốt, mời ông mối sang nhà gái ướm hỏi. Nhà gái ưng rồi, gia đình nhà trai sẽ sang nhà gái bàn bạc, thống nhất ngày chàng trai về ở rể.

 

Anh Bùi Quốc Khánh, Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, cho biết: "Đám cưới người Cống trải qua 5 bước, ở rể, ăn hỏi, cưới, thăm hỏi và lại mặt. Có một lễ ở rể, tiếng Cống gọi là Mì Tạp Sái. Bố mẹ và anh em họ hàng chàng trai đưa chàng rể đến nhà gái. Mẹ chàng trai mang theo túi lễ vật gồm một cuộn dây gai và một gói muối. Cuộn dây gai là biểu tượng cho sự thắt chặt của đôi nam nữ, hai bên gia đình. Gói muối biểu tượng cho sự mặn mà. Ngoài ra có một ít thuốc lào, thuốc lá. Chị em gái của chàng trai thì mang tư trang và công cụ lao động của chàng trai".

 

Dân tộc Cống. Ảnh: dantri.com

 

Bà Chang Thị Khá, 61 tuổi, ở bản Nậm Khao, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, Lai Châu, kể rằng tháng 3 - tháng phát nương, là thời gian mà các chàng rể thường phải khăn gói sang nhà vợ. Và hành trang đi ở rể của chàng trai nhất thiết phải có một con dao phát. Các công cụ khác có thể không mang theo cũng được:

 

"Trước khi đưa con trai mình đi ở rể thì bố mẹ con trai chuẩn bị bộ chăn gối, một con dao. Lý của người Cống, vì mình sang bên kia lao động thì cần có dụng cụ để mình sử dụng chứ. Bên nhà gái cũng có dao nhưng mình không tính đâu. Mình vẫn phải chuẩn bị một con dao cho con".

 

Người đàn ông thường phụ trách các công việc nặng nhọc và nguy hiểm như vào rừng đốn củi, chặt cây. Và những con dao phát to, mũi nhọn là công cụ mà chỉ người đàn ông sử dụng. Theo anh Bùi Quốc Khánh, con dao chính là biểu tượng để người con rể khẳng định khả năng lao động, khả năng nuôi sống gia đình mình với nhà gái.

 

Luật tục của người Cống cho phép đôi vợ chồng sinh con đẻ cái trong thời gian ở rể. Nhưng hết thời gian ở rể thì mới được làm lễ cưới và chàng trai mới được đưa vợ con về nhà. Nhà gái sẽ giám sát và khẳng định khả năng lao động của chàng rể để quyết định có gả con của mình cho anh ta hay không. Nếu bố mẹ vợ không ưng, chàng rể phải lẳng lặng mang đồ của mình rời khỏi nhà gái.

 

Luật tục khắt khe như vậy, nên chàng rể người Cống dù bình thường không chăm chỉ lắm, thì khi ở rể cũng phải chăm. Sáng, chàng ta phải dậy trước các thành viên gia đình, tối phải ngủ muộn nhất. Trong ngày, vụ trồng cấy thì phải lên nương; không phải vụ trồng cấy thì phải vào rừng săn bắn, xuống suối quăng cá, khi về phải mang được thức ăn, bó cúi về. Khi nhà có khách thì phải đứng hầu rượu, không được ngồi ăn cùng. Nếu làm được điều đó thì chẳng gia đình nhà gái nào đuổi cả!

 

Cứ chăm chỉ ngày này sang ngày khác như vậy, ở rể 6-8 năm (thậm chí có gia đình ở rể tới 12 năm), mới được tổ chức đám cưới và chú rể mới đưa vợ con về nhà mình. Tục ở rể đến nay vẫn được nhiều gia đình người Cống duy trì. Tuy nhiên, thời gian ở rể rút xuống chỉ còn khoảng 2–3 năm.

 

Dù cho tập quán lao động đã khác xưa, nhưng con dao vẫn là vật không thể thiếu với những chàng trai Cống chuẩn bị lấy vợ.

 

 

Hoàng Minh/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC