(VOV) - Cầu mưa là một nghi lễ truyền thống của người Dao tuyển (người địa phương gọi là Dao đen). Nghi lễ này được bà con tổ chức thường vào dịp đầu xuân, hoặc khi trời hạn hán để cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi.
Theo người già ở thôn Khe Voi, xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, xưa kia cộng đồng người Dao tuyển sống trên triền núi cao. Gặp đợt hạn hán kéo dài đến 3 năm, cây cỏ héo chết, người già trẻ nhỏ lần lượt chết đói. Những người còn sống sót lập giàn khóc than, làm rung động trời đất. Ngọc Hoàng cùng các đấng thần linh từ đó đã ban phát cho dân chúng những mùa màng tốt tươi. Tục cầu mưa của người Dao tuyển được duy trì đến bây giờ.
Khi tiếng bạt - một nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Dao - vang lên mấy hồi, bà con trong thôn tề tựu đông đủ để chứng kiến thầy đạo khấn xin Ngọc Hoàng, các đấng thần linh cho phép mở lễ cầu mưa. Tiếp đó, lễ vật gồm 5 con gà trống, thủ - gan của 3 con lợn, 3 chai rượu, 3 bát gạo, cùng giấy tiền vàng mã trên 3 mâm xôi to được đặt lên giàn cúng. Thầy cúng cả châm ba nén hương, vái ba vái, lẩm nhẩm khấn.
Thầy cúng cầu khấn ông Trời ban mưa xuống. Ảnh minh họa: dantri.com
Trong bài khấn của mình, thầy cúng báo cáo tình hình đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn do hạn hán kéo dài dẫn tới mùa màng thất bát, đói kém, mong Ngọc Hoàng và các đấng thần linh trên cao phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây trồng tươi tốt, không bị thiếu nước, không bị mưa nhiều.
Trong lễ cầu mưa của dân tộc Dao tuyển, bước chuẩn bị khá cầu kỳ với với việc lựa chọn địa điểm, thời gian, nhà, giàn, lễ vật cúng tế, cùng các nhạc cụ truyền thống để phụ họa như thanh la, trống, bạt, kiếm, gậy, mặt nạ. Địa điểm làm lễ thường được các già làng, thầy cúng chọn ở một khu đồi bằng phẳng, thuận tiện cho việc làm lễ.
Một lễ phải có ít nhất 4 thầy cúng, mỗi thầy đảm nhiệm một bước cúng khác nhau. Sau khi thầy cả khấn xong, thầy cúng thứ hai múa cờ, múa gậy xua đuổi kẻ ác, tà ma đang ngăn chặn không cho mưa đến. Thầy cúng thứ ba cùng đội múa rồng tượng trưng cho việc cưỡi rồng đưa các vị thần linh lên thiên đình xin Ngọc Hoàng ban lệnh cho mưa. Thầy cúng thứ tư tiếp tục múa áo đỏ tượng trưng việc đã đưa được Ngọc Hoàng xuống phù hộ.
Sau những bước khấn múa kéo dài 30 phút đến 1 tiếng một điệu khấn, thầy cả đốt giấy tiền vàng mã tiễn đưa Ngọc Hoàng, các vị thần linh về trời. Sau đó, dân bản vừa nâng chén, vừa múa cùng các thầy cúng, cầu mong một năm nhiều may mắn.
Thầy cúng Bàn Văn Cò cho biết:
- Cầu mưa này rất quan trọng, rất thiêng, từ xưa đã có sách lưu lại. Tục này mang tính tâm linh, mang niềm ước của con người đối với thiên nhiên.
Lễ cầu mưa của người Dao tuyển ở Đông An thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, hoặc vào khi thời tiết hạn hán kéo dài. Điều rất nổi bật trong nghi lễ là mọi người dân đều mặc trang phục truyền thống, cùng tham gia vào các nghi lễ cầu mưa, các điệu múa khấn cầu. Hiện nay, nghi lễ này đã được chính quyền địa phương hỗ trợ một phần kinh phí để duy trì, tuy nhiên, thời gian có rút gọn hơn trước.
Bích Thủy/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận