(VOV4) - Như nhiều dân tộc ở miền núi phía Bắc, người Khơ Mú đã sáng tạo nên nhiều phương thức sinh sống phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi mình cư trú. Thậm chí, việc đánh bắt cá trên sông suối, với người Khơ Mú là cả một nghệ thuật.
Bên bờ suối, thay mặt bà con trong bản, thầy cúng Quàng Văn Cá, ở xã Ẳng Tở (huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên) khấn lạy thần sông, thần suối. Trên chiếc chõng nhỏ làm bằng cây rừng, lễ vật cúng khá đơn giản, được dân bản thành kính bày lên, gồm: 1 con cá nướng, 1 bát gạo trên đặt quả trứng còn sống, 1 đĩa xôi nhỏ màu tím và ba chén rượu. Dưới chân bàn là một chiếc bè nhỏ chừng cái quạt nan được kết bằng bẹ chuối.
Thấy cúng khấn: “Hôm nay bà con trong bản có chút lễ mọn, là cá nướng, rượu, cơm xôi, dâng lên các vị thần linh, các vị thần sông thần suối, cầu mong các vị thần phù hộ cho bà con đi đánh cá được đầy giỏ, đầy hom. Mong cho cá đàn sinh sôi nảy nở ngày một nhiều, để dân bản bắt được nhiều cá to, để đời sống bà con dân bản được no đủ, hạnh phúc. Xin các thần linh phù hộ!”.
Dứt lời, thầy cúng Quàng Văn Cá nhón tay xé một miếng cá, một nhúm xôi, đặt lên chiếc bè chuối, rồi thả xuống nước. Ông khua nhẹ để đẩy chiếc bè ra xa, miệng lại lầm rầm khấn. Xong bài khấn, thầy Cá ra lệnh cho bà con trong bản bắt đầu mùa kiếm cá.
Người Khơ mú có cách bắt cá của riêng mình. Ảnh:baomoi.com
Khá nhiều phụ nữ sẵn sàng xuống suối bắt cá. Nhưng trước khi lội xuống suối, chị em thi nhau xúc đất hất xuống nước. Thầy cúng Quàng Văn Cá giải thích: “Người ta đào đất hất xuống sông suối để cho nước đục như là có nước lũ, rồi bắt cá. Làm như thế để cá không nhìn thấy mình mà".
Muốn bắt được nhiều cá, thường thì bà con đợi ngày lũ, nước đục. Anh Lò Văn Dơ, ở Mường Ẳng, nói vui ngày nắng thèm ăn cá, chẳng nhẽ lại chịu bó tay? Vậy là người Khơ Mú quê anh nghĩ cách đánh lừa cá: “Khi đánh lưới hay quăng chài thì người ta kiêng có tiếng động, mặc quần áo đen để cá không phát hiện ra”.
Người Khơ Mú ở Điện Biên thường bắt cá bằng hình thức cất vó. Người đánh bắt không trực tiếp lội xuống nước. Họ chỉ cần ở trên bờ, tìm nơi mặt nước bằng phẳng đủ để đặt vó, tìm một cây thật chắc như cây tre gai lâu năm để làm cần vó. Lưới được buộc căng vào 4 đầu của gọng, rồi kéo căng thành vó. Hầu như người Khơ Mú nào cũng biết: nước càng đục và càng dâng cao thì cất vó càng được nhiều cá. Nước đục, cá không thấy lưới. Nước cao, cá di chuyển qua lại nhiều, rồi lọt vào vó. Mồi được làm bằng những thứ rất dễ tìm như là cám gạo rang thơm trộn với đất dẻo, rồi vo thành cục nhỏ và tung vào lòng vó. Thấy mùi cám thơm, cá vào vó ăn, thế là bà con cất vó.
Theo anh Lò Văn Dơ thì mồi câu rất quan trọng, phải là những con côn trùng nhỏ như cào cào, giun, dế. Tuy nhiên, nếu là mồi giun thì giun phải còn sống và người ta chỉ lấy đoạn đầu thôi, "để khi móc vào cần câu, thả xuống thì cái đầu nó còn ngoay ngoáy. Như thế thì cá mới nhìn thấy và đớp mồi”.
Kinh nghiệm của ông Quàng Văn Cá là phải quan sát dòng nước để tìm nơi cá thích dừng để kiếm mồi: “Quan sát dòng suối, nếu thấy đoạn nào nước chảy xiết, lại có tảng đá thì cá sẽ dừng sau tảng đá để ăn. Đó là chỗ nước không chảy nhanh và đọng nhiều thức ăn”.
Cá suối giờ không còn nhiều, nhưng với những kinh nghiệm vừa rồi, chỉ đi vài ba tiếng là bà con Khơ Mú đã có được giỏ cá đầy bên hông.
Thanh Tâm/VOV4
Viết bình luận