Người Khơ Mú dùng thứ gì đựng nước?
Thứ sáu, 00:00, 11/11/2016

(VOV4) - Người Khơ mú là những cư dân của núi rừng, hầu hết những vật dụng của họ đều được đan bằng mây, tre. Có bao giờ bạn đặt câu hỏi: vậy người ta sử dụng nước như thế nào? Và họ đựng nước bằng gì?


 

Người Mông thường chọn nơi định cư trên núi cao, người Thái chọn vùng thấp, gần suối, còn người Khơ Mú ở lưng chừng núi. Cuộc sống mưu sinh của họ gắn chặt với núi rừng, thiên nhiên hoang dã. Họ chủ yếu trồng lúa, ngô trên nương chứ ít khi trồng lúa nước. 


Nói họ là những cư dân sáng tạo của núi rừng cũng đúng. Hãy xem cách họ chế tạo những vật dụng từ thiên nhiên.

 

Nếu lên sàn đằng trước nhà người Khơ Mú, bạn sẽ thấy một cái giá được ghép bằng các đoạn tre, vầu, ở giữa có những ống bương xếp thành hàng theo thứ tự từ cao đến thấp. Đó chính là cái Xí nặm của đồng bào. Xí nặm được hiểu là nơi để những ống nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày.


 

Người Khơ-mú đựng nước bắng xí-nặm. Ảnh: baomoi.com

Người Khơ Mú dùng những ống bương to gọt nhẵn thành ống nước. Đục một cái lỗ to ở đầu ống nước để luồn đòn gánh vào. Mỗi chuyến, người ta có thể gánh được 8-10 ống.

Những ống nước này tại sao lại được làm ống thấp, ống cao? Ông Cà Kha Sam, người Khơ mú, sống ở Sơn La, giải thích: Gánh ống nước lên cầu thang, ống nào ngắn người ta cho vào bên trong, ống nào dài thì cho ra ngoài. Khi người ta đặt vào xí nặm cái ống dài thì nó tựa vào xí nặm luôn, nó mới tuột ra khỏi đòn gánh, còn nếu cho cái ngắn ra ngoài thì nó sẽ bị đổ mất.

 

Ống dùng để đựng nước uống, đồng bào gọi là bẳng nặm tùng. Bẳng này được làm bằng những ống tre nhỏ, ngắn, để có thể dốc lên uống trực tiếp. Nhưng có những bẳng được làm bằng những ống bương dài gọi là bẳng nặm, khi uống, phải tựa ống vào gốc cây, ngả dần xuống thì mới uống được.

 

Đi làm nương, người Khơ Mú thường mang theo cái nặm tảu để uống khi khát. Kinh nghiệm của đồng bào  Khơ mú là càng uống nhiều nước càng khát, càng mệt. Vậy nên họ nghĩ ra cách, khi đi nương, họ mắc vào một cái cây ở đầu mảnh nương. Khi làm nương, bao giờ phải quay vòng đến chỗ treo tảu nước thì mới được uống nước.

 

Ông Sam bảo: "Họ làm như thế cũng có cái ý của họ, mà gần như thành quy tắc. Mục đích là cho thanh niên nào mà lười lao động thì phải cố gắng, phải làm được đến đâu mới được ngồi uống nước, chứ nếu uống hết nước xong lại thấy mệt muốn nghỉ, muốn về nhà!".

 

 

 

Hoài Thu/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC