(VOV4) – Người Khơ Mú ở Điện Biên ở nhà sàn. Nhà khá giả bao giờ cũng có 5 gian, nhà nghèo ít nhất cũng phải làm 3 gian, không bao giờ được làm 2 gian. Đó là điều kiêng kỵ.
Nhìn gầm sàn nhà biết gia chủ giàu, nghèo
Anh Quàng Văn Cá, ở xã Ẳng Tở, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên, lý giải: “Nhà hai gian là nó không đầy đủ, nhà không phát triển. Người ta làm từ 3 gian trở lên. Gian đầu tiên là gian để thờ cúng tổ tiên, còn gian giữa là gian cho chủ nhà ngủ. Gian thứ ba là con cái ngủ. Gian giữa khi nào làm nhà mới, hoặc ngày Tết, ngày lễ, hoặc đám cưới là gian vui chơi của gia đình và của khách, có thể ngồi uống rượu, vui chơi, hát hò”.
Bếp trong - bếp tổ tiên quan trọng của người Khơ Mú
Vào nhà, nhìn gầm sàn đủ biết gia chủ giàu hay nghèo. Ngôi nhà truyền thống của người Khơ Mú cao từ 1 – 1,2m. Nhà khá giả làm từ 1,2 – 1,6m, nhà nghèo chỉ làm cao 0,8 – 1m. Khi làm nhà, bao giờ người Khơ Mú cũng chọn hướng đông nam hoặc tây bắc. Và bao giờ cũng phải tránh hướng có quả đồi nhìn xuống thẳng ngôi nhà. Đồng bào cho rằng hướng ấy sẽ khiến cho gia đình làm ăn lụn bại.
“Các cụ bảo quả đồi nhìn xuống thẳng giữa nhà như một con dao nhọn chém giữa nhà mình. Nó sẽ xảy ra mất mát, ốm đau. Lưng nhà cũng phải chọn theo hướng không bao giờ tựa lưng vào quả đồi nhìn xuống. Trước nhà và lưng nhà không bao giờ như thế cả, bao giờ cũng phải tránh” – anh Cá nói.
Nhà sàn của người Khơ Mú ở Ẳng Tở chỉ có một cầu thang chung cho tất cả mọi người. Gần cửa ra vào có một mặt sàn thoáng mát làm nơi vui chơi, hóng gió, gọi là bưng.
Nhà của người Khơ Mú khá nhiều cột và theo như chị Bùi Thị Như Nguyện, hướng dẫn viên công ty Du lịch Việt, ngoài việc chống thú dữ, những chiếc cột còn là biểu tượng cho sự chắc chắn, sức mạnh của người đàn ông bảo vệ ngôi nhà.
Phần bưng bên ngoài trước ngôi nhà người Khơ Mú ở Điện Biên
Khách đến chơi không đeo túi qua cửa!
Bàn thờ tổ tiên được người Khơ Mú đặt ở gian giữa nhà. Khách đến chơi, không được tự ý ngồi gần không gian thờ tự. Đó là không gian tâm linh, cần sự trong sạch, yên tĩnh. Một điều bạn cũng cần lưu ý là bước vào cửa ngôi nhà, nếu có đeo túi, bạn phải bỏ xuống để nơi sàn ngoài. Nếu đeo túi đi qua cửa, bà con sẽ không vui.
Anh Quàng Văn Cá còn dặn kỹ khi đến nhà người Khơ Mú chơi, phải quan sát xem chủ nhà có nhà hay đi vắng. Nếu không có nhà, tuyệt đối bạn không nên bước vào:
“Phải đi sang nhà khác nghỉ. Kể cả anh em quen biết cũng sang nhà khác nghỉ trước. Khi chủ nhà về mình mới sang. Không bao giờ không có chủ nhà mà mình lên. Đến nhà phải tôn trọng chủ nhà. Mình cũng phải đề phòng khi người ta không có nhà, người ta về nhà bảo rằng: ô, hôm nay nhà tôi mất cái này, mất cái kia, là họa cho mình. Đó là giữ gìn cho hai bên”.
Nếu như nhà của người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn (Văn Chấn, Yên Bái) có tới 3 bếp thì ngôi nhà người Khơ Mú ở xã Ẳng Tở, như nhà của anh Quàng Văn Cá, chỉ có 2 bếp. Một bếp đặt gần lối ra vào nhà gọi là bếp ngoài, nơi để tiếp khách và nấu ăn. Ở cuối ngôi nhà có một bếp khác, đối diện với bàn thờ tổ tiên, là bếp trong, bếp tổ tiên. Chiếc bếp này vô cùng quan trọng với người Khơ Mú.
“Bếp tổ tiên chuyên đồ xôi, chuyên làm lễ, nấu rượu. Nấu thức ăn sống không được mang vào bếp tổ tiên, không bao giờ mang xoong, mang chậu vào bếp trong. Người Khơ Mú từ xưa đến giờ người ta sinh nở ở cái bếp kia. Con dâu, con gái, khi sinh nở xong người ta đun nước cho người mới sinh đó tắm trước, tắm xong mới đưa trẻ đi ngủ. Người mẹ tắm nước nấu ở đó. Nấu ở đó là tổ tiên phù hộ” – anh Quàng Văn Cá cho biết.
Thu Cúc/VOV4
Viết bình luận