Người La Chí thờ sừng trâu
Thứ năm, 00:00, 10/11/2016 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài

(VOV4) - Ở nơi thờ cúng của người La Chí, mỗi một sừng trâu tượng trưng cho một người đã khuất.

 

Thờ sừng trâu


Chị Vương Thị Lan, ở thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, cho hay bàn thờ của người La Chí quê chị thường đặt ở vị trí chính giữa nhà sàn. Đó là một cái dàn nhỏ để bánh và đồ lễ. Nhà 3 gian hoặc 5 gian, người La Chí sẽ đặt sừng trâu ở gian giữa – nơi quan trọng nhất.


Khi một người đàn ông chết đi, gia đình sẽ làm một sừng trâu để treo lên bàn thờ. Sừng trâu được đẽo gọt cẩn thận để khi cúng sẽ dùng sừng trâu đổ rượu vào uống. 


“Lúc các cụ quy tiên phải mổ trâu để tế, bất kể nhà giàu hay nhà nghèo, không có con trâu là không được. Bởi vì người La Chí quan niệm khi sống có con trâu để cày bừa, khi chết đi xuống cõi âm vẫn phải có trâu để cày bừa. Họ đẽo gọt rất đẹp để thờ. Cứ mỗi một người chết đi lại có một sừng trâu”.

 


Người La Chí uống rượu bằng sừng trâu. Ảnh: Dân trí

 

3 lần lập bàn thờ cho người đàn ông

 


Ngôi nhà của người La Chí có nhiều bàn thờ dành cho con trai. Họ xếp dọc hàng vách phía trước theo thứ tự: bàn thờ của bố, con út, con thứ, trong cùng là của con cả. Bàn thờ của các con bao giờ cũng thấp hơn bàn thờ của bố. Người con trai phải có trách nhiệm thờ cúng những người đã chết. 

 

Theo TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, phải trải qua 3 bước lập bàn thờ. Lần thứ nhất lập bàn thờ với vật hiến sinh là con gà. Sau một thời gian, họ đập đi lập bàn thờ lần thứ hai, lấy con dê làm vật hiến sinh. Và lần cuối cùng họ cũng đập bàn thờ, vật hiến sinh sẽ là con trâu.


“Mỗi một người đàn ông phải trải qua 3 bước lập bàn thờ như vậy mới đúng phong tục của người La Chí. Khi người đàn ông chết đi, người ta phải phá bàn thờ đó và mang nó theo quan tài, đặt ở ngoài mộ. Cái bàn thờ phải đi theo người đàn ông. Cái bàn thờ đấy gắn liền với người đàn ông, thờ tổ tiên của họ và đối với họ đấy là thiêng liêng nhấtg” – TS Nguyễn Văn Huy cho biết.

 


Đầu trâu cắm trên cọc chôn trước mộ người chết ở bản Phùng (huyện Xín Mần). Ảnh: Hôn nhân và Pháp luật


 

Đặt tên theo nguyên tắc phụ tử liên danh


Gia đình người La Chí là gia đình nhỏ phụ quyền, thông thường gồm ba thế hệ, ông bà, cha mẹ, các con. Người đàn ông làm chủ gia đình.

Họ có cách gọi tên theo nguyên tắc phụ tử liên danh, tên con gắn liền tên cha với công thức: họ - pô (tức là bố) - tên con - tên riêng của người được gọi. Ví dụ: Vàng Pô Li Vả, họ là Vàng, Pô là bố, Li là tên của con, Vả là tên của bố.

Người phụ nữ có con được gọi theo công thức: Mia (tức là mẹ) - tên con cả - tên chồng. Người đặt tên cho đứa trẻ chính ông thầy cúng hoặc là những bố mẹ nuôi sau khi đã làm lễ nhận con nuôi. 


 

Lan Vàng/VOV4

Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC