Một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam
Phụ nữ La ha ngồi chơi tại giàn phơi trước hiên nhà
La ha có dân số khoảng 8.200 người. Đây là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam. Họ cư trú chủ yếu ở tỉnh Sơn La và một số ở Lào Cai. Hiện, họ sống tập trung ở các xã Nậm Giôn, Nậm Păm và Pi Toong thuộc huyện Mường La và xã Noong Lay, huyện Thuận Châu, Sơn La. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Thái - Ka đai.
Người La ha không có nghề dệt vải. Họ trồng bông và đem bông trao đổi với người Thái lấy vải mặc. Do đó, trang phục của người La ha có nhiều nét giống với người Thái đen. Phụ nữ có chồng thường búi cao tóc, con gái chưa chồng để xõa vai.
Cầu thang đàn ông, cầu thang phụ nữ
Người La ha không có bàn thờ. Họ dùng vách ở góc nhà để thờ
Bản người La ha thường có khoảng chục nóc nhà. Họ ở nhà sàn có hai cửa với hai cầu thang lên xuống. Cầu thang chính đặt ở cửa chính nơi đầu hồi ngôi nhà, chỗ có giàn phơi trước hiên cửa. Cầu thang này dành cho khách đàn ông. Cầu thang thứ hai đặt ở đầu hồi phía sau ngôi nhà dành cho phụ nữ và sinh hoạt gia đình.
Ông Lò Văn Pháng ở bản Nà Tạy, xã Pi Toong, Mường La, Sơn La cho hay, người La ha không bao giờ làm bậc thang theo số chẵn. "Bao giờ cũng phải 5 - 7 bậc. Số lẻ mới phát triển. Người La ha mình quan niệm vậy". - Ông nói.
Tùy theo điều kiện gia đình họ có thể làm nhà từ 3 - 5 gian.
"Chia của" cho người chết
Người La ha quan niệm thế giới có 2 phần: phần âm thuộc "ma" tổ tiên, phần dương nơi con người sinh sống. Với họ chết không phải là hết, mà là về với thế giới của tổ tiên. Vì vậy họ sẽ "chia của" cho người quá cố.
"Vì thương tiếc. Người La la cho rằng khi chết luôn có tổ tiên xuống đón. Để họ có một cuộc sống đủ đầy ở bên kia thế giới, người sống phải chia của cho người chết. Có gì cho tất. Nếu không người chết về "đòi", mình sẽ xui xẻo". Ông Quàng Văn Chung, trưởng bản Nà Tạy giải thích.
Để giao của, người ta sẽ buộc dây thừng hoặc chỉ trắng nối lễ vật tới quan tài. Sau đó, thầy cúng sẽ khấn giao nộp tài sản. Trong ngày lễ, các con trong gia đình cũng sẽ có lễ vật báo hiếu. Con trai trưởng phải cúng trâu, các con thứ cúng lợn hoặc gà tùy điều kiện kinh tế.
Không uống rượu khi nhà có người mất
Trong đám tang, một loại cây rừng có tên năm lạ rạc là thứ không thể thiếu. Sau khi cho thi thể nhập quan, tang chủ sẽ rắc lá của cây này vào trong đó. Họ tin, lá của cây năm lạ rạc sẽ xua đuổi "ma tà" xâm nhập vào xác của người quá cố cũng như đuổi các loại "ma" xấu phá hoại gia đình.
Trong vòng một tháng, gia đình có người mất sẽ không được uống rượu, tụ tập ăn uống đông vui. Bởi đó là sự bất kính đối với người quá cố.
Thu Cúc/VOV4
Viết bình luận