Người Lô Lô hóa trang thành người rừng khi cúng tổ tiên
Thứ năm, 00:00, 04/05/2017 Hoàng Minh 2 ảnh Hoàng Minh 2 ảnh

VOV4.VN - Thờ cúng ông bà, cha mẹ là hình thức sinh hoạt tính ngưỡng đặc trưng của nhiều tộc người Việt Nam. Với người Lô Lô ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang, hàng năm, vào ngày 14/7, con cháu phải hóa trang thành người rừng để làm lễ cúng tổ tiên.

 

Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên của một gia đình, một dòng họ, lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô còn có tính cố kết cộng đồng cao,  với sự tham gia của đông đảo bà con dân bản. Chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày đêm (từ sáng ngày 14/7 đến rạng sáng 15/7 âm lịch), việc tổ chức lễ thức phải tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt.

 

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô thường do trưởng họ đứng ra tổ chức. Mọi thủ tục đều diễn ra tại khoảng sân của gia đình chủ lễ, song việc chuẩn bị đồ ăn thức uống, vật dụng phục vụ trong suốt thời gian lễ hội là trách nhiệm chung của cả gia chủ, thầy cúng và bà con dân bản.

 

Ông Hùng Đại Kỳ, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Giang, cho biết, đây là dịp để con cháu tưởng nhớ tổ tiên, ôn lại phong tục tập quán. Lễ thờ cúng cũng nhằm mục đích cầu mong tổ tiên phù hộ con cháu được cuộc sống ấm no, vạn sự như ý.

 

Chủ lễ thực hiện nghi thức chắp cánh. Ảnh: Hoàng Minh

 

Sáng ngày diễn ra lễ hội, tức ngày 14/7 âm lịch, người ta bày trước cửa nhà chủ lễ 1 cái bàn và 2 cái ghế dài. Thầy cúng, trưởng họ và 2 người phụ lễ sẽ tiến hành thủ tục đầu tiên - nghi lễ chắp cánh. Lễ vật trong lễ thức này  gồm 1 con gà, 1 chai rượu, 2 bát xôi đơm đầy.

 

Sau khi cắt tiết gà trước mặt dân bản, người ta chặt lấy cặp cánh để lên bàn cúng, thân gà đem luộc chín rồi cũng bày lên theo. Thầy cúng bắt đầu cất lời khấn, trình báo với tổ tiên, mời tổ tiên về dự lễ với con cháu. Nghi thức này nhằm mục đích dâng lên tổ tiên đôi cánh, để tổ tiên bay lên cõi vĩnh hằng.

 

Thầy cúng vừa dứt lời khấn, tiếng trống đồng rộn rã vang lên, đội múa nghi lễ bắt đầu múa xung quanh nơi thầy cúng làm lễ. Theo nhịp trống đồng, bước chân của các chàng trai cô gái Lô Lô khi tiến, khi lùi, lúc lại nhún xuống nhịp nhàng. Sự thay đổi của tiết tấu trồng đồng quyết định sự thay đổi của vũ đạo trong điệu múa nghi thức.

 

Thầy cúng Vương Việt Dũng, ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, cho biết, múa nghi lễ của người Lô Lô có khoảng gần 40 động tác khác nhau, mô phỏng những hoạt động quen thuộc của con người như đánh đá lửa, săn thú, mở đất, trồng cấy, thu gặt...v...v.

 

Theo ông Hùng Đại Kỳ, truyền thuyết người Lô Lô kể rằng, con người khi mới sinh ra có hình hài như một bầy khỉ. Khi trời lạnh, bầy khỉ bóc vỏ cây cuốn vào người. Khi chết đi, con người sẽ bay về với tổ tiên, trời đất. Vì vậy, khi làm lễ cúng tổ tiên và trong đám ma, các chàng trai phải mặc trang phục bằng lá cây, lấy vỏ cây làm mặt nạ như cha ông xưa kia để tổ tiên nhận ra con cháu mình.

 

Nhóm múa nam phải hóa trang thành người rừng trước khi nghi lễ bắt đầu. Ảnh: Hoàng Minh

 

Sau nghi thức chắp cánh là nghi thức hiến tế vật nuôi, với vật hiến tế là lợn và bò, do chính bà con nuôi được. Hình thức nghi lễ cũng giống như nghi thức chắp cánh. Thầy cúng làm lễ và khấn, tiếp theo là phần biểu diễn của đội mùa nghi lễ. Theo quan niệm của người Lô Lô, trong thời gian diễn ra lễ hội, máu của con vật hiến sinh đổ xuống ở đâu, thì đó là mảnh đất thiêng mà những người ở xa đến không được phép xâm phạm.  

 

Tối đến, cũng là lúc bà con tiến hành nghi thức cuối cùng – lễ tiễn đưa tổ tiên. Lễ vật trong nghi thức này chỉ gồm cơm hoặc xôi nắm, thịt của con vật hiến sinh, để tổ tiên dùng làm thức ăn đi đường. Tất cả được bày trên tàu lá chuối. Người ta đốt giữa sân một đống lửa to, để linh hồn ông bà tổ tiên nhìn rõ con cháu lần cuối trước khi bay về vùng đất của những người đã khuất.

 

Trong nghi thức này, đội múa nghi lễ nam  đã trút bỏ bộ trang phục người rừng. Sau khi thầy cúng khấn tiễn đưa linh hồn tổ tiên, toàn thể bà con nắm tay, múa vòng quanh bếp lửa. Mọi người cùng ăn uống, múa hát vui vẻ đến khi trời sáng rõ.

 

 

 

Hoàng Minh/VOV4

Hoàng Minh 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC