Người Mạ giỏi lên rừng kéo mây
Thứ tư, 00:00, 17/08/2016

(VOV4) - Cuộc sống của người Mạ xưa gắn liền với đại ngàn Trường Sơn. Khi giao thương chưa phát triển, người Mạ phải tự phát triển các nghề truyền thống và lựa chọn những loại nguyên liệu tối ưu phục vụ cho công việc và sinh hoạt của mình. Và cây mây là một trong những loại nguyên liệu như vậy.



 

Cây mây mọc khá phổ biến ở một số buôn làng người Mạ xưa. Chỉ cần qua cửa rừng vài chục bước chân là đã có thể lấy được mây. Thân mây dài, bền chắc, dẻo dai. Với những ưu điểm đó, mây trở thành nguyên liệu chính để người Mạ làm nên nhiều loại nông cụ sản xuất và các đồ dùng hàng ngày. Theo tiến sĩ Ngọc Lý Hiển, Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, tùy vào chức năng sử dụng cũng như tính chất của từng loại mây mà người Mạ có tên gọi tương ứng như Gòn Inl, Gòn Xeng, Xer...v..v.

 

Cây mây thường được người Mạ dùng để chế tác các loại nông cụ, để làm cán dao, cán xà gạc, làm dây buộc, làm khung hoặc đế gùi.

 

Cây mây gắn với người Mạ từ việc rẫy nương tới những nghi lễ linh thiêng. Ảnh: baomoi.com

 

Cộng đồng người Mạ ở Lâm Đồng cư trú tập trung ở một số địa phương như xã Đồng Nai Thượng của huyện Cát Tiên, các xã thuộc huyện Bảo Lâm, xã Tân Thượng (huyện Di Linh), xã Tân Lâm (huyện Đạ Hoai). Trước kia, tìm cây mây rất dễ dàng. Tuy nhiên, lấy được một dây mây phải tốn khá nhiều công sức, do mây là loại dây leo và hầu hết các loại mây đều có gai. Hoạt động này thường do người đàn ông có kinh nghiệm đi rừng và có sức khỏe tốt đảm trách. Người Mạ thường đi lấy mây thành nhóm để phụ giúp nhau khi cần thiết.

 

Đa phần đi chọn dây mây là những người thông thạo một nghề thủ công. Tùy theo loại nghề mà người thợ chọn lấy những nguyên liệu thích hợp. Vi dụ định làm gùi thuốt lúa thì lấy mây chỉ, và phải chọn dây mây có tuổi đời vài ba năm trở lên.

 

Người Mạ còn dùng mây để buộc cố định cột, kèo, xà nhà. Anh K’Viên, ở huyện Cát Tiên, cho biết: dây chuyên dùng để gia cố nhà cửa gọi là Xer. Xer là loại mây dài, nhỏ bằng đầu đũa, có độ bền cực cao. Người ta có thể dùng nguyên cả dây hoặc chẻ nhỏ ra để buộc.

 

Bản thân dây mây đã bền nên người Mạ không cần tốn nhiều công xử lý mà có thể dùng tươi, ngay sau khi lấy về. Để dự trữ sử dụng lâu dài, người Mạ thường cuộn thành bó hoặc chặt từng đoạn dài cất trên mái nhà. Trong những ngôi nhà dài của người Mạ có rất nhiều bếp, mỗi cặp vợ chồng trong đại gia đình có một bếp riêng. Khi cất mây trên đó, khói bếp bốc lên, làm cho mây tăng độ bền và tránh mối mọt. Khi có nhu cầu, người Mạ chỉ cần đem những bó mây đó ngâm nước cho mềm là có thể dùng được.

 

Đặc biệt hơn nữa, dù lá mây ngắn, nhỏ hơn lá cọ hay cỏ gianh, nhưng vẫn được người Mạ dùng để lợp mái nhà. Qua bao đời, cây mây trở nên gắn bó mật thiết với đời sống người Mạ. Cây mây tham gia vào các nghi thức dân gian với vai trò như một vật xua đuổi tà ma. Mây trở thành hình  ảnh thường được nhắc tới trong các tác phẩm tự sự, truyện ngụ ngôn của người Mạ. Ngày nay, rừng đã tách biệt với khu vực cư trú. Tuy nhiên, để đan lát hay chế tác loại nông cụ truyền thống, người Mạ vẫn vào rừng để tìm loại nguyên vật liệu quen thuộc này.

 

 

Hoàng Minh/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC