Người Mông cân nước đầu năm
Thứ hai, 00:00, 22/08/2016 Hải Huyền bt ct Hải Huyền bt ct

(VOV4) – Sáng ngày mùng 1, đợi tiếng gà đầu tiên của năm mới cất lên, các gia đình nô nức đi lấy lộc năm mới. Họ múc một bát nước mới và một bát nước cũ rồi cân lên để đoán xem năm mới sẽ thế nào.

 

Quét bồ hóng – quét đi sự xui xẻo

 

Tại Điện Biên, người Mông Trắng tập trung chủ yếu ở các huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng. Tết cổ truyền là ngày sum họp gia đình. Nhà nào cũng chuẩn bị thật tươm tất. 

 

Một phong tục không thể thiếu trong ngày 30 Tết của người Mông trắng là thay bàn thờ và quét bồ hóng. Vi người Mông Trắng ở Điện Biên, trước khi làm nghi lễ này, họ còn làm lễ Lự cái. Chiều 30 Tết, tất cả mọi người từ già đến trẻ tập trung tại nhà dòng họ. Người ta sẽ chặt một loại cây thân gai, to bằng cổ tay người lớn, cao khoảng 3m, tiếng Mông gọi là pòn zà. Tại ngọn cây, buộc một con gà trống đỏ và buông thõng một dây cỏ gianh từ ngọn cây xuống. 

 

Trước cửa nhà trưởng họ, con cháu tập trung xếp hàng ngay ngắn. Ông trưởng họ tay cầm cây pòn zà, miệng lẩm bẩm khấn. Sau lời khấn đầu tiên, mọi người không ai bảo ai đi theo chiều ngược kim đồng hồ vòng quanh trưởng họ. Sau 3 vòng, dừng lại, người ta bỏ con gà trống xuống, cắt tiết, rồi tiếp tục đi 3 vòng ngược lại. 

Anh Thào A Giơ, phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng tỉnh Điện Biên, giải thích: “Mọi người sẽ đi 3 vòng đi, 3 vòng lại để khấn tất cả những điều xấu xa đi qua cái dây đấy. Những ma tà, quỷ dữ, chỉ có con người qua được, ma tà nó sợ cái dây cỏ gianh đấy sẽ không đi qua nữa. Khấn đại ý là ma tà, quỷ dữ, những điều không may mắn của năm cũ sẽ đi theo năm cũ. Năm mới con cháu làm ăn phát đạt hơn”. 

Thực hiện nghi lễ Lự cái xong, ai về nhà nấy để làm lễ quét bồ hóng. Chủ nhà chuẩn bị một chiếc chổi bằng 3 ngọn cây hoặc 3 ngọn tre, một cái mẹt nhỏ hoặc một tấm mo nang để quét bồ hóng. 

Mặt trời chuẩn bị lặn, chủ nhà tay trái cầm mẹt hứng, tay phải cầm chổi quét từ bên phải sang bên trái nhà. Vừa quét, miệng vừa lẩm bẩm: quét cái ốm đau, bệnh tật, quét điều xúi quẩy của con người, gia súc, quét đi bệnh dịch của cây trồng. Không quét hồn người, hồn gia súc, gia cầm, hồn cây, hồn lửa, hồn nước… để đón những điều tốt lành, no ấm. Sau khi quét xong, chủ nhà sẽ mang ra ngoài cửa chính đổ bồ hóng theo hướng mặt trời lặn để mặt trời mang theo.




Tết là ngày vui của cả bản. Ảnh: lienketviet.net

 

Ngày 30, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, quét bồ hóng, các nông cụ đều được xếp gần ban thờ. Cùng các cột, xà, cửa, bếp lò, chuồng gia súc gia cầm, nông cụ được dán giấy tạ ơn, vì người Mông quan niệm vạn vật đều có hồn, ngày Tết phải được nghỉ ngơi, ít nhất từ chiều 30 cho đến hết ngày mồng Một. Nếu vẫn bị quấy rầy thì sẽ bị nông cụ quở trách.

 


Cân nước đầu năm

 

Thực hiện nghi thức cúng bồ hóng xong, người Mông sẽ làm lễ cúng thần tài xử ca – “con ma” quan trọng nhất, gắn liền với sự thịnh vượng, giàu có của ngôi nhà.

Vị trí thờ xử ca được đặt ở giữa vách gian chính, đối diện với cửa nhà. Bàn thờ là tờ giấy bản màu đỏ, vàng, trắng dán lên vách hậu với mong muốn những tờ giấy đó tượng trưng cho vàng, bạc. Họ buộc lông gà thành từng nhúm nhỏ, nhúng vào tiết gà rồi dán lên bàn thờ, với niềm tin làm như vậy vàng bạc sẽ tự đến nhà, gia chủ sẽ được no ấm, đủ đầy. 

Cúng xong, gia đình tiến hành cúng tất niên. Mâm cỗ đơn giản là con gà trống, bát canh, bát cơm trắng. Nhà có điều kiện sẽ cúng hẳn một con gà trống to, nếu không, họ sẽ cúng một nửa, còn để lại một nửa hôm sau cúng ngày mùng 1 Tết.

“Đơn giản thế thôi. Người Mông Đen, cách tổ chức Tết cũng khác một tí. Trước tiên người ta sẽ cúng bánh dày, người ta giã bánh dày sau đó khấn bánh dày ở sáng ngày 30. Mâm cúng tổ tiên của người Mông Đen có thêm cái bánh dày nữa” – anh Giơ cho hay. Cả ngày 30 và mùng 1 Tết, sau khi cúng tổ tiên, người Mông đều mang một ít lễ vật ra ngoài theo cửa chính để cúng thần thổ địa. Khấn xong họ sẽ không giữ lại mà đổ đi.

 

Sáng ngày mùng một có lẽ là thời khắc được trông chờ nhất. Đợi tiếng gà gáy đầu tiên cất lên, các gia đình nô nức đi lấy lộc năm mới. Ông chủ nhà sẽ mang thùng đến con nước đầu nguồn lấy về, múc một bát nước mới và một bát nước cũ rồi đem cân. Đây chính là nước lộc đầu năm.

“Cho vào cái bát đầy như nhau. Cân nước của năm cũ và năm mới xem cái nào nặng hơn. Ví dụ của năm mới nặng hơn năm cũ thì năm đấy mưa lũ nhiều. Nếu mà nó nhẹ hơn thì sẽ có hạn nhiều. Bằng nhau thì xem năm cũ như thế nào thì rút kinh nghiệm. Sau lễ đấy, khi mặt trời bắt đầu sáng, người ta sẽ cúng mùng một Tết”. 

Trong 3 ngày đầu năm mới, họ chủ yếu đi chúc Tết, uống rượu vui vẻ với bạn bè và gia đình. Nhưng tuyệt đối 3 ngày này phải kiêng kỵ nhiều thứ. Ví như không được cãi cọ, không được ăn rau mà chỉ được ăn thịt. Nấu bánh không được cháy, không được đổ nước ra nhà, không được ngủ trưa. Bởi ngủ trưa sẽ trở nên lười biếng, ốm đau.

 

Có nhà cẩn thận hơn thì kiêng ngày mùng một Tết, khách đến chơi phải là người đứng đắn, đàng hoàng, thậm chí khá giả.

Và bạn biết không, ngoài những kiêng kỵ ấy, người Mông còn kiêng không được ăn cơm chan canh để giữ gìn cho lương thực đậm đà, không khí không quá ẩm ướt. Họ không uống rượu say để có một ngày trọn vẹn vui và giữ gìn sự đầm ấm cho cả năm, cả đời… 

 

 

Thu Cúc/VOV4

Hải Huyền bt ct

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC