Người Mông kỳ công khai ruộng bậc thang
Thứ tư, 00:00, 08/03/2017 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài

VOV4.VN – Sinh sống ở vùng núi cao, địa hình đất dốc, nên làm ruộng bậc thang là cách thích ứng với tự nhiên sáng tạo của người Mông.


Nơi đất ẩm ắt có mạch nước ngầm

 

Để khai được một thửa ruộng bậc thang, việc trước tiên là phải tìm được nguồn nước. Men theo các sườn đồi, nơi có đất ẩm, giáp với những con suối to là có mạch nước ngầm, đủ nước dẫn về ruộng. 

Có nguồn nước, người Mông bắt đầu làm những con mương để dẫn nước vào ruộng. Anh Giàng A Sài, ở thôn Sâu Chua, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, Lào Cai, cho hay, phần lớn người Mông không xây mương bê tông, chủ yếu đào mương đất. Mương to hay nhỏ tùy theo lượng nước cần dùng cho ruộng.

“Mương nước của người Mông tùy theo địa hình. Nếu nó nhiều đá quá, không đào được, phải dùng ống tre để dẫn nước”. 

Bạn có biết vì sao những ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp như vậy nhưng lượng nước dẫn về luôn đều, dù mưa lớn cũng không rửa trôi hết màu mỡ của đất? Cái tài của người Mông nằm ở chỗ: họ biết cách điều tiết nước ở đầu nguồn.


Vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang ở Sapa - Lào Cai đã được trang web Mother Nature bình chọn là một trong 30 điểm đến đẹp nhất thế giới. Nguồn: Zing.vn


Ông Giàng A Seo Gà, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Sa Pa, tiết lộ: họ sẽ kê một hòn đá giống như cái cổng, chỉ cho lượng nước vừa đủ chảy qua. Hoặc, họ sẽ tách nước suối bằng một ống tre. 

“Nước có to, lũ lụt nhưng nó chỉ vọt qua cái ống đấy, chảy đều thôi. Người ta chỉ cần một ống tre như thế, xong người ta đắp hết tất cả, chỉ thoát ra cái ống đấy thôi. Có mưa to mấy thì nước cũng không to”.

Đắp bờ quan trọng nhất

Tìm được nguồn nước, người Mông bắt đầu làm ruộng bậc thang. Ở những vùng đất quá dốc, họ sẽ khai khẩn từ trên xuống, từ từ từng thửa một. Còn nếu ở chỗ đất bằng, có những bãi lầy, người ta sẽ chặt cây rừng, đem đốt tại ruộng, ủ cho thối mục, tạo màu cho đất rồi khai từ dưới lên. 

Quan trọng nhất trong việc khai ruộng là đắp bờ. Họ phải đắp bờ bằng phẳng. Nước chảy vào cho mặt ruộng phẳng lỳ là có thể cày cấy được. Theo anh Giàng A Sài, họ không bao giờ lấy đất xốp làm bờ. “Cho nên họ dùng cả đá để kè. Họ cuốc lớp da của đất từng cục to để đem ra xếp làm bờ. Xếp xong họ tiếp tục cuốc đến chỗ đất thịt, lại xếp lên. Cứ như vậy cho đến khi đủ cái bờ để cho con trâu nó kéo là có thể chấp nhận được. Kỳ công lắm. Nhiều khi cả xóm đi làm cho một gia đình”.

Đắp bờ xong, người ta đào xới phần đất màu mỡ của ruộng. Sau đó, rải lớp đất xấu nhất của ruộng xuống dưới, tiếp đến rải lớp đất thịt và cuối cùng rải lớp đất màu mỡ lên trên, rải phân ngựa, phân trâu hoặc phân bò, ải nước. Vậy là có khoảnh đất tốt để cấy lúa.

 


Thu Cúc/VOV4


Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC