Người Mông thờ thần khèn
Thứ tư, 00:00, 28/06/2017
VOV4.VN - Khèn Mông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tín ngưỡng của người Mông, điều này thể hiện rõ nhất qua đám tang.

 

Trong mỗi đám tang, gia đình tang chủ có thể mời hai hoặc bốn thầy khèn và những người thổi khèn đóng vai trò như thầy cúng.

Các nghi lễ đều được thực hành thông qua tiếng khèn, bởi nếu không có tiếng khèn thì linh hồn người chết sẽ không về được với tổ tiên.

Nghệ nhân Ma Khái Sò, ở Quản Bạ, Hà Giang, kể: “Khi người ta mời mình đi làm thầy chính, thì trước khi đi, mình phải tế cây khèn, đốt 3 nén hương rồi khấn “Này khèn, hôm nay tôi mang ông đi làm đám, ông phải phòng sự cho tôi bình an vô sự, không ốm đau từ đầu chí cuối. Khấn xong mới được cầm cây khèn cúi xuống lạy thần khèn rồi đi ra cửa”.

 

Khèn có vai trò quan trọng trong tang ma người Mông.  Ảnh: dantri.com

 

Khi mang khèn ra cửa, thầy khèn phải “một bước đi, hai bước lùi”. Đi ra cửa chính, thì chân trái ra trước, chân phải ra sau. Theo quan niệm của người Mông, chân trái đi phụ phải ở ngoài, chân phải là hạnh phúc trong nhà thì phải giữ lại. Hoặc một quan niệm khác: “bước như thế hồn đi, nhưng vía thầy khèn sẽ ở lại”.

Nếu như bà vợ của thầy khèn ở nhà, thì bà phải giao hẹn với hồn của chồng mình và giao hẹn với thần khèn. Từ trường hợp của mình, nghệ nhân Ma Khái Sò tiết lộ: “Nếu bà vợ mình ở nhà, thì phải nói là "người đi  hồn không  đi nhé. Đi thì nhớ mang phúc về, mang của cải về nhé”. Thầy khèn phải quay lại nói "vâng, tôi đi tôi sẽ mang hàng vạn hàng triệu về". Thế rồi bắt đầu đi. Chứ nhiều người không biết, đi về không may bị ốm, thì lại bảo là ma lủng. Như vậy là không trọn vẹn”.

Sau khi xong đám hiếu, thầy khèn về đến nhà, nếu bà vợ có ở nhà, thì thầy khèn phải gọi vợ mở cửa và phải chú ý bước chân phải vào trước. Rượu thịt mà gia chủ tang lễ hậu tạ thầy khèn, sẽ được chế biến làm một mâm cơm để thầy khèn lễ tạ thần khèn. Một bát thịt, hai chén rượu được mang đến để trước cây khèn. Thầy khèn nói với khèn như với người bạn: “Khèn ơi, ta hết nhiệm vụ rồi, giờ ở trong nhà nhé”.

Từ năm 1995, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa khèn Mông vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.

 

 

 

Linh Đức/VOV

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC