VOV4.VN - Thời chưa xa, việc chữa trị bệnh tật của đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu dựa vào những kinh nghiệm dân gian. Họ sử dụng những cây thuốc, vị thuốc có ở khắp rừng, ngay trong vườn nhà, kết hợp với cách ăn uống để chữa trị bệnh.
Quan niệm tác nhân gây bệnh của người Mường
Người Mường cho rằng tác nhân gây bệnh cho con người bao gồm yếu tố tự nhiên và yếu tố tâm linh. Do vậy, trong việc chăm sóc sức khỏe hay điều trị bệnh tật, hai yếu tố này luôn được coi trọng và được kết hợp song song, tạo một niềm tin để người bệnh đẩy lùi bệnh tật.
Theo anh Bùi Văn Thành, ở Kim Bôi, Hòa Bình, nếu bệnh được xác định là tự nhiên, do điều kiện sinh hoạt, ăn ở gây nên, thì người Mường thường chữa trị bằng những bài thuốc dân gian. Kể cả những chứng bệnh nan y cũng có thể chữa khỏi.
Lá thuốc của người Mường thường được phơi khô và không tẩm ướp. Ảnh: KT
Bên cạnh đó, theo quan niệm của người Mường thì còn có một tác nhân nữa gây bệnh là các loại ma. Những bệnh này phải do các thầy cao tay cúng bái, xua đuổi thì mới có thể khỏi được
Nếu xét về góc độ y học hiện đại thì việc điều trị bệnh như vậy không còn phù hợp, bị coi là mê tín, song theo ông Bùi Văn Thành, nếu phân tích kỹ thì sẽ thấy đó là quan niệm, là nhân sinh quan vạn vật hữu linh của người Mường.
Những kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe của người Mường
Anh Trần Văn Sang, ở xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, cho biết những bài thuốc của người Mường thường rất đơn giản, chỉ là các loại lá cây, rễ hoặc củ băm nhỏ, phơi khô. Có loại có thể dùng ngay khi còn tươi, bởi khi đó các hoạt chất của thuốc mới phát huy tác dụng, như cây sài bỏng hoặc lược vàng. Cây xạ đen, với người Mường, là cây rất giá tri, dùng cho việc cầm máu, chữa các loại đau, ê buốt răng.
Phụ nữ Mường khi mang thai không ăn thịt trâu. Ảnh: KT
Với các sản phụ thì người Mường có nhiều phương thuốc hay từ các loại cỏ cây. Hiệu quả nhất, có lẽ là chữa chứng động thai hoặc sảy thai, hay là chữa sài đẹn cho trẻ nhỏ.
Đối
với người Mường,
chuyện ăn uống rất quan trọng bởi nó liên quan đến bệnh tật.
Do vậy, phụ nữ Mường khi mang thai không được ăn thịt trâu, lươn,
trạch vì chúng có tính hàn.
Đối với cách chữa bệnh bằng hèm, bằng mẹo, người Mường có rất nhiều bài. Đó là những lời chú, lời thiêng, là những động tác đầy huyền bí, hóa giải bệnh tật mà không cần bất cứ vật dụng gì
Theo anh Bùi Văn Thành thì người Mường có hàng trăm, hàng nghìn bài thuốc dân gian, dù chữa trị bằng mẹo, hèm hay các bài thuốc Nam, đều đạt được hiệu quả cao, nhưng hiện nay các bài thuốc ấy đang dần mai một theo những ông lang, bà mế cao tuổi. Một số bài thuốc cũng dần mất đi tính hiệu quả bởi sản xuất một cách đại trà, không đảm bảo chất lượng.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận