Người Ơ Đu thờ linh hồn người sống
Thứ tư, 00:00, 03/08/2016

(VOV4) - Trong ngôi nhà truyền thống của người Ơ đu xưa, nhất thiết phải có hai chiếc cột cao đến tận nóc, dành cho ma nhà lên xuống và trong tục thờ cúng, người Ơ đu thờ cả linh hồn của con người khi đang còn sống!

 

Trong ký ức của nhiều người Ơ đu và theo các nhà nghiên cứu, ngôi nhà của người Ơ đu có những nét rất riêng biệt, chuyên chở khá đủ đầy nhân sinh quan và bản sắc của tộc người này. Trong ngôi nhà truyền thống của người Ơ đu xưa, nhất thiết phải có hai chiếc cột cao đến tận nóc, dành cho ma nhà lên xuống.

 

Ngôi nhà truyền thống của người Ơ đu làm theo kiểu nhà sàn. Gian đầu tiên luôn là gian quan trọng nhất. Từ cửa đi vào thì vị trí của gian này ở ngay bên tay phải. Là gian quan trọng nhất, nhưng chủ nhà không được ở.

Bà Trần Thị Quỳnh Hoa, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, giải thích: “Gian này dành để khi nào khách đến nhà chơi thì tiếp ở đây, mà phải là khách nam. Khi khách nam có nhu cầu ngủ lại, thì sẽ được mời ngủ ở gian đầu tiên. Nếu khách đến chơi nhà là hai vợ chồng, thì chỉ có người chồng được ngủ ở gian  thứ nhất này thôi”.

Còn gian thứ 2 mới chính là nơi dành cho vợ chồng chủ nhà. Trước gian thứ 2 này có một khoảng trống, dành để tiếp những vị khách đến chơi nhà là phụ nữ. Gian thứ 3 trở đi dành cho con cái ở. Nếu khách nữ đến chơi nhà người Ơ đu mà ngủ lại qua đêm, thì sẽ được sắp xếp chỗ ngủ ở gian thứ 3.

 

 

Ngôi nhà truyền thống của người Ơ-đu. Ảnh: baomoi.com

 

Khi làm nhà, nếu nhà nào có điều kiện thì thưng nhà bằng gỗ, còn nếu chủ nhà còn khó khăn thì thưng tường nhà bằng nứa đan - những vật liệu có sẵn trong rừng không phải mất tiền mua.

 

Đặc điểm gì có thể phân biệt giữa nhà sàn của người Ơ đu và nhà sàn của các dân tộc khác? Bà  Trần Thị Quỳnh Hoa chỉ rõ: “Nhà sàn của người Ơ đu có nét khác biệt, đó là  nóc nhà chính có hai cái cột từ nóc nhà đi xuống. Hai cái cột này là để cho ma nhà đi lên và đi xuống. Chỉ có ngôi nhà của người Ơ đu mới có cái cột từ nóc nhà đi xuống như thế này thôi”.

 

Ma nhà, trong quan niệm của người Ơ đu, chính là tổ tiên và những người thân thích trong dòng họ đã mất. Các dân tộc khác thì cúng thổ công, thổ địa và các vị thần linh, nhưng dân tộc Ơ đu thì không thờ những vị này. Họ chỉ cúng tổ tiên, người thân trong dòng họ và linh hồn người Ơ đu, trong đó thờ cả linh hồn người còn đang sống. Theo quan niệm của người Ơ đu, mỗi con người đều có linh hồn riêng. Người chết có linh hồn, người sống cũng có linh hồn. Người ta thờ cúng tổ tiên và thờ cũng cả linh hồn người chết lẫn linh hồn của người còn đang sống.

 

Vào những ngôi nhà của người Ơ đu, trên những bức vách ngăn phía trước các gian nhà, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những cành cây khô nhiều chạc cắm vào. Người Ơ đu cắm những cành này lên vách tường để treo rượu, treo cốc chén và những ống nước thường tiện bằng tre, nứa, trang trí hoa văn sọc ngang, sọc dọc khá bắt mắt.

 

Cũng bắt nguồn từ điều kiện thực tế cuộc sống còn khó khăn nên trong nhà người Ơ đu không có bàn ghế để tiếp khách. Những cành cây khô này để treo cốc, treo chén, đó là sáng kiến. Ở trên vách gian thứ 2, người ta sẽ treo những nhánh cây to hơn để treo các bình rượu. Gian tiếp theo người ta dùng để treo các ống đựng nước

 

Chị Lo Thị Thúy Giăng, ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, bảo rằng: “Người Ơ đu thích đựng rượu trong ống nứa vì mùi thơm của rượu sẽ mộc hơn, thật hơn. Để bảo vệ rượu trong các ống nứa này được lâu mà không bị nhạt, người Ơ đu thường dùng lá chuối để nút lại, rồi treo lên vách”.

 

 

Ơ Đu là một trong những tộc người có dân số ít nhất cả nước, số liệu mới nhất khoảng hơn 300 người. Xuất phát từ phong tục con trai con gái Ơ đu không được lấy nhau, mà phải lấy người của dân tộc khác, phổ biến là Thái và Khơ mú, người dân Ơ đu đã đánh mất hầu hết gia tài bản sắc văn hoá, cả tiếng nói và chữ viết, và đang đứng trước nguy cơ “biến mất”.

 

Ơ Đu, có nghĩa là Thương Lắm. Dân tộc Ơ đu còn có tên gọi khác là Tày Hạt, dịch nghĩa tiếng Thái có nghĩa là Rách Rưới Quá. Sở dĩ có tên gọi này là do trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, tộc người Ơ Đu bị đàn áp, đứng trước nguy cơ bị diệt vong. Một bộ phận khá đông người Ơ Đu phải bỏ cả tiếng nói, phong tục, tập quán, dòng họ của mình để trốn vào nơi rừng sâu núi thẳm hoặc sống trà trộn, lệ thuộc và các dân tộc khác để khỏi bị tiêu diệt.

 

 

 

Hồng Nhung/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC