Người Pà thẻn có 8 họ
Thứ ba, 00:00, 01/11/2016 Hải Huyền bt bài + 1 ảnh Hải Huyền bt bài + 1 ảnh

(VOV4) – Đó là các họ Hủng, Tẩn, Tải, Sìn, Phù, Làn, Ván, Lìu. Ngày nay người Pà thẻn - bát tiên tộc, đã có thêm nhiều họ mới.

 

Người Pà Thẻn di cư đến Việt Nam bằng đường biển

 

Người Pà thẻn còn có tên gọi là Bát tiên tộc. Cách đây khoảng 200 – 300 năm, bằng đường biển, họ di cư đến Việt Nam và chọn mảnh đất này là nơi định cư. Bắt đầu từ Móng Cái, Thái Nguyên, theo các suối lớn, họ lên đến Linh Phú, Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Sau đó, họ ngược sông Gâm đến Lăng Can, huyện Nà Hang (Tuyên Quang) và xã Hữu Sản, huyện Bắc Quang, lên cao hơn nữa là Quang Bình (Hà Giang). 

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Pà thẻn có khoảng hơn 6.800 người, cư trú tập trung đông nhất tại tỉnh Hà Giang với 5.771 người, chiếm 84,7% dân số Pà thẻn trong toàn quốc. Tại Hà Giang, họ định cư chủ yếu ở hai huyện là Bắc Quang và Quang Bình với 17 thôn, thuộc 8 xã có người Pà thẻn cư trú tập trung thành làng bản. Câu chuyện thiên di nay vẫn vẹn nguyên trong truyền thuyết của người Pà thẻn.


TS Huyền Nhung (giữa) và phụ nữ Pà thẻn ở huyện Bắc Quang

 

“Cùng với câu chuyện vượt biển sang Việt Nam, thì làm thế nào họ lại ở nhiều nơi như thế? Có câu chuyện là trên quãng đường đi, có một số người mệt mỏi cần phải nghỉ, một số người muốn đi vì hăng hái quá, họ đi trước. Khi đi họ cũng dặn nhau là cứ đến ngã ba đường sẽ để lại cái que. Cái que chỉ hướng nào thì đi theo hướng đó. Không may con lợn rừng đi qua đá phải cái que, hất sang hướng khác, vì thế người thì ở Tuyên Quang, người thì ở Hà Giang” – TS Nguyễn Thị Huyền Nhung, công tác tại Ủy ban Dân tộc, người có nhiều công trình nghiên cứu về người Pà thẻn, cho hay.

Truyền thuyết người Pà thẻn còn kể rằng những người di cư sớm nhất là một gia đình Pà thẻn có 8 người con được cha đưa đi tìm đất mới. Chọn được đất định cư, nhưng làm sao để có thể duy trì nòi giống? Người cha mới đặt cho mỗi đứa con một họ gồm: Hủng, Tẩn, Tải, Sìn, Phù, Làn, Ván, Lìu. Khác họ, nên các anh em có thể kết hôn. "Bát tiên tộc" gắn với người Pà thẻn từ đó. 

 

Đến nay họ có nhiều họ khác như họ Bàn, họ Triệu (gốc Dao); họ Trẩu, họ Giàng (gốc Mông). Tám họ này đã đi vào đời sống của họ. Mặc dù họ không có tên chính thức nào là bát tiên tộc cả nhưng họ cứ ngầm hiểu với nhau như thế. Bởi vì nó liên quan đến câu chuyện trong tài liệu “Quá Sơn bảng văn”, ngành Dao thứ 12 đi vào cư trú ở huyện Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, được gọi là “Bát tính tôn man”, nghĩa là nhóm người Dao thứ 8. Họ cho nhóm thứ 8 này chính là người Pà thẻn - (Theo nghiên cứu của Nguyễn Chí Huyên trong cuốn “Nguồn gốc lịch sử tộc người biên giới phía Bắc Việt Nam”).

 

Cũng từ câu chuyện 8 họ, kết hôn nội tộc được xem là một tập tục nghiêm ngặt trong đời sống người Pà thẻn.

 

Dấu vết di cư sống động trên trang phục 

 

TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, cho hay, quá khứ di cư của tộc người Pà thẻn hiện lên rõ nét ở những họa tiết hoa văn cũng như trang sức đính sò biển mà xưa kia người Pà thẻn vẫn thường đeo:

“Ngoài các hoa văn hình sóng nước, hình núi, có hoa văn biểu tượng mặt trời ở trên trang phục. Cái vỏ sò, về mặt lịch sử, trước đây người ta sử dụng như trang sức. Người ta đính trên váy áo của người phụ nữ”.

 

TS Nguyễn Thị Huyền Nhung chỉ ra trên mũ của trẻ em, trên chiếc địu, những con ốc biển cũng được người Pà thẻn đính trang trí. Người Pà thẻn cũng gắn con ốc biển nhỏ trên chiếc vòng bố nuôi của trẻ em – chiếc vòng do ông thầy cúng tặng để trừ tà. Phụ nữ Pà thẻn còn nghĩ ra những hoa văn hình con ốc, dệt lên trang phục của mình.

 

 

Tại sao ốc biển, sò biển lại được người Pà thẻn nâng niu đến vậy? Điều này gắn với câu chuyện vượt biển trong truyền thuyết của họ. 

“Quá trình thiên di cũng có những câu chuyện thú vị. Khi lênh đênh trên biển thì họ bị đau bụng. Không biết phải giải quyết bằng cách nào, họ lấy con ốc, con sò nhỏ nhỏ, mà bây giờ họ hay xâu thành chuỗi đeo vào cổ hoặc để trang trí, thì họ mài con ốc, con sò đó ra để pha nước uống. Khi pha nước uống với bột ốc, bột sò đó tự nhiên khỏi đau bụng. Đồng bào rất yêu quý con ốc đó” - TS Nhung cho biết.

Trên trang phục, câu chuyện về dòng họ Bát tiên tộc còn để lại dấu ấn ở trên chiếc thắt lưng của người con gái Pà thẻn. Chiếc thắt lưng gồm 8 chùm tua ở sau lưng. Khi về nhà chồng, cô dâu bắt buộc phải thắt chiếc thắt lưng ấy. Người Pà thẻn quan niệm cô dâu dù có lấy chồng người ngoại tộc, vẫn phải ghi nhớ về dòng họ, nguồn gốc, tổ tiên mình. 


Trong quá trình đi điền dã, nghiên cứu, TS Huyền Nhung còn phát hiện ở bộ trang phục nam giới câu chuyện về 8 họ còn lưu lại trên chiếc áo. Đó là hai bên vai áo có hai chùm đồng xu rủ xuống phía trước. Nhưng cho đến nay thì chúng chỉ còn trong câu chuyện của người già.

 

 

Lâm Thanh/VOV4

Hải Huyền bt bài + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC