(VOV)- Từ bao đời nay, dân tộc Sán Chỉ sinh sống trên địa bàn huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, vẫn giữ tục nhận bố mẹ nuôi chung cho cả vợ và chồng trước khi kết hôn. Tục lệ này gắn liền với hi vọng đem “may mắn lớn" cho cuộc sống gia đình của đôi vợ chồng mới.
Với người Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu, vợ chồng trước khi kết hôn phải tìm người nhận làm bố mẹ nuôi chung cho cả hai. Nếu như trước kia, theo tục lệ, nhất thiết phải nhận bố mẹ nuôi là người cùng làng, cùng xã và cùng dân tộc thì ngày nay mở rộng hơn trong việc nhận ở các dân tộc khác và không kể khoảng cách xa gần. Thông qua tục lệ này, họ gửi gắm niềm tin đôi vợ chồng mới gặp nhiều thuận lợi, may mắn.
Cô dâu, chú rể trong lễ nhận bố mẹ nuôi chung cho cả 2 vợ chồng
Già làng Sần A Tàu, bảo: “Theo phong tục của người dân tộc Sán Chỉ thì khi nhận bố mẹ nhận nuôi sẽ được nhận thêm bố mẹ, anh em nhiều, thì dễ làm ăn, gần gũi với anh em nhiều hơn, công việc giúp đỡ nhau nhiều hơn”.
Thủ tục nhận bố mẹ nuôi khá đơn giản. Người Sán Chỉ xem đó như duyên trời đặt. Gia chủ chọn ngày tốt, đặt lên bàn thờ bát nước đầy đã vê sợi chỉ lên miệng bát rồi kiên nhẫn ngồi chờ. Người đầu tiên bước lên sàn nhà, vị khách vô tình ấy sẽ là bố mẹ nuôi của đôi vợ chồng sắp cưới.
Mẹ nuôi vào nhà làm lễ trước sự chứng kiến của mọi người
Ngày nay, nhiều gia đình chọn bố mẹ nuôi bằng hình thức chọn ngày tốt, nhờ thầy cúng chỉ hướng, đi 360 bước, gặp bất cứ ai thì người đó sẽ là bố mẹ nuôi. Nếu người gặp đầu tiên còn quá trẻ tuổi thì họ sẽ nhờ bố mẹ của người đó làm bố mẹ nuôi cho mình. Sau đó, hai bên gia đình sẽ hẹn ngày mang lễ vật sang để vái nhận bố mẹ nuôi cho đôi vợ chồng sắp cưới.
Đến ngày làm lễ, người con trai và con gái sẽ mang 20 kg thịt, 40 cái bánh chưng và 1 con gà đến nhà bố mẹ nuôi. Sau khi nhận lễ, bố mẹ nuôi sẽ tặng lại 2 con mỗi người một chiếc nhẫn bạc. Nhà trai và gái mang lợn, thịt và rau sang nhà bố mẹ nuôi tổ chức liên hoan, mời bạn bè cả hai bên.
Hào hứng khi vừa cùng gia đình, họ hàng tổ chức lễ cưới của mình vào đầu tuần trước, nhắc về tục nhận cha mẹ nuôi mà hai vợ chồng vừa trải qua, anh Trần Văn Dảu, ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu, chia sẻ: “Tôi rất vui vì đã có thêm bố mẹ cùng dự đám cưới. Nhận cha mẹ nuôi cho gia đình có nhiều người hơn, là chỗ dựa tinh thần”.
Mối quan hệ rất mật thiết, gắn bó không chỉ được tạo ra giữa con nuôi với cha mẹ nuôi mà với cả hai gia đình. Vào các dịp lễ tết hay có công việc quan trọng, họ đều mời nhau đến nhà chơi, ăn cơm uống rượu.
Mỹ Dung - Hoàng Quy/VOV-Đông Bắc
Viết bình luận