(VOV4) - Người Tày ăn tết Nguyên đán không chỉ kéo dài 3 ngày. Đến tận mùng 5, mùng 10 tháng Giêng, các xóm làng người Tày vẫn tưng bừng, rộn ràng.
Từ cuối tháng Chạp, người Tày đã dựng cây nêu, dán giấy đỏ xung quanh nhà, dán lên các đồ vật, dụng cụ lao động. Lá đào được hái về, đun lấy nước thơm để lau bàn thờ, rửa cốc chén. Các lễ vật trong ngày Tết được chuẩn bị đầy đủ. Tất cả sẵn sàng cho ngày Tết.
Gia đình ông Hoàng Mỹ Làn, ở xã Thành Hòa, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn ngồi quây quần giữa nhà, nói chuyện vui vẻ chờ đến thời khắc giao thừa. Lễ cúng đã được chuẩn bị đầy đủ và bày biện ngay ngắn, trang trọng trên bàn thờ. Ngày Tết, gia đình người Tày dù giàu hay nghèo đều không thể thiếu bánh chưng dài, con gà và chén rượu men lá. Bà con còn làm nhiều loại bánh chay để dâng lên tổ tiên, như: khẩu sli, pẻng khô, bánh khảo...
Đồng hồ điểm 12 giờ. Câu chuyện năm cũ tạm gác lại. Chủ nhà, ông Hoàng Mỹ Làn, khăn áo chỉnh tề, đứng trước bàn thờ, rót rượu, thắp hương mời tổ tiên về đón năm mới cùng gia đình. Các thành viên trong gia đình xếp hàng phía sau.
Ông khấn rằng: Hôm nay ngày Tết/ Tâu hương về trạm/ Tâu xá về đình/ Gia chủ thành kính/ Chắp tay lạy cầu/ Phật pháp trên cao/ Gia tiên trong họ/ Chính giờ chứng giám/ Mâm lễ tất niên/ Con cháu thảo hiền/ Một năm lao động/ cúng phụng ông bà/ Cầu cho năm mới/ Làm gì cũng được/ Ước gì cũng nên/ Thóc bồ đầy kho/ Trâu bò đầy chuồng/ Lộc phúc muôn nơi/ Phát tài, phát tài, phát tài.
Cúng gia tiên tối 30 và sáng mùng 1- nghi thức quan trọng của người Tày trong ngày Tết
Chủ nhà làm lễ xong, rượu đã mời, lời đã khấn, mọi người quay trở lại bàn, mời nhau chén rượu đầu xuân. Con cái rót rượu mời ông bà, cha mẹ; chúc ông bà, cha mẹ mạnh khỏe, mọi điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Cha mẹ lì xì cho con cháu, kèm theo những lời dặn dò và chúc những điều hay điều tốt đến với con cháu. Mọi người cùng ăn bánh, uống trà và nói những câu chuyện vui vẻ đầu xuân.
Những câu chuyện ngày tết, dù trong giờ phút đầu tiên của năm mới, sẽ liên tục bị ngắt quãng, bởi những đoàn khách đến chúc tết. Với người Tày, tình làng nghĩa xóm, sự sum vầy, đoàn kết trong anh em, họ hàng thể hiện rất rõ trong dịp Tết Nguyên đán. Họ không chờ sáng mùng Một, mùng Hai mới đến nhà nhau chúc tết, mà ngay đêm giao thừa, sau khi cúng tổ tiên, các gia đình đã đi chúc tết anh em, hàng xóm.
Chúc rượu ngày Tết
Từ ngoài cổng, khách đã nói to câu "cung hỷ phát tài" (tức là chúc mừng phát lộc, phát tài). Chủ nhà xuống tận sân đón khách, không quên câu chúc may mắn đầu năm.
Theo bà Lương Thị Dụ, ở thôn Bản Mìn, xã Thành Hòa, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, người Tày quan niệm rằng trong năm mới, đặc biệt là giao thừa, nếu được người tốt, hợp tuổi xông nhà thì sẽ mang lại may mắn cho gia chủ trong cả năm:
"Tết đi chơi, cung hỉ nhau, uống rượu với nhau. Mồng 5 còn chưa qua tết, nhưng mồng 1 là vui nhất. Rồi còn có quan điểm thế này: Mong muốn ngày mồng 1, con trai vào nhà trước thì gặp may mắn. Nếu đàn bà vào cửa trước thì cũng hài lòng lắm. Đàn ông nhưng phải là người lưu loát cơ, biết ăn nói cơ. Trước tiên vào nhà phải cung hỷ và nói mấy câu vui vẻ với nhau nữa chứ".
Những câu khách hay nói khi đến chúc tụng ngày tết là: "Ôi, hôm nay vui lắm à! Đến chúc ông bà, các em mạnh khỏe nhé!". Người ở trong nhà đáp: "Thế cùng nhau mạnh khỏe nhé. Phát lộc phát tài nhé". Bà Dụ bảo rằng chúc nhau như thế là câu quý nhất.
Khách đến chơi nhà có thể cao hứng chúc tết gia chủ bằng câu hát lượn. Lời hát do người hát tự đặt ra ngay lúc ấy, đại ý: chúc gia đình năm mới xuân sang tất cả bình an, đại bình an, làm ruộng toàn thóc. Trên cây lúa có thóc, dưới thửa ruộng có cá. Nuôi lợn, lợn lớn nhanh…
Khách và chủ cùng vui trong những câu chuyện làm ăn, chia sẻ những việc đã làm được trong năm cũ và chúc nhau năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc. Trong cuộc trò chuyện đầy hứng khởi, họ cùng chơi trò lày cỏ - một trò chơi phạt rượu truyền thống, không thể thiếu của người Tày vào mỗi dịp đầu xuân. Tiếng cười nói rộn ràng, hơi ấm của chén rượu men lá làm cho không khí càng thêm náo nhiệt.
Thanh Nga/VOV4
Viết bình luận