(VOV4) - Đám cưới truyền thống của người Tày trải qua các nghi thức: Lễ dạm, lễ ăn hỏi, lễ sêu tết, lễ báo ngày cưới, lễ cưới, lễ đón dâu và đưa dâu. Từ các hình thức nghi lễ, trang phục, ẩm thực đến điệu hát quan lang… đám cưới không đơn thuần là nghi thức kết duyên đôi lứa mà còn giáo dục về nghĩa vợ chồng, về các mối quan hệ gia đình, dòng tộc.
Đám cưới người Tày: Kết duyên, kết cả họ hàng
Người già làm bạn, đã có ý hướng con trai, con gái mình đến với nhau. Khi bố mẹ thuận rồi và đôi trẻ đến tuổi đính ước, họ sẽ tiến hành lấy mệnh, hỏi lộc mệnh của người con gái. Người ta so bằng các con giáp, nếu xung khắc thì dù yêu đến đâu, họ cũng không lấy nhau.
Bà Nông Thị Vân, ở bản Pò Chạng, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn, nhớ lại: “Người Tày đặt 3 lần lễ mới tổ chức được ngày cưới. Thứ nhất là đi hỏi ý bố mẹ cô dâu. Phải có 1-2 cân thịt, 1 lít rượu cho ông đại diện đi tìm hiểu. Nếu cho rồi, thứ hai, mới đi lấy 8 số mệnh của cô dâu, chú rể. Đi lấy số cho cô dâu về rồi, lại đi xem số của anh với số của chị có hợp, có gì khắc với nhau, như thế người ta mới lấy nhau”.
Đám rước dâu. Ảnh: baomoi.com
Tuổi hợp rồi thì nhà trai sẽ tiến hành lễ dạm hỏi, gọi là lễ pao minh. Một ông chú, ông bác cao tuổi đại diện cho nhà trai cùng một người đi gánh lễ vật, gồm: đôi gà trống thiến, gạo nếp, 1-2 cân thịt lợn và hai chai rượu nếp nương. Trong lễ ăn hỏi, hai bên bàn bạc và quyết định lễ vật cưới. Trước đây, tục thách cưới của người Tày khá nặng nề, thể hiện qua câu tục ngữ “nhinh khai, chài dư”, nghĩa là “gái bán, trai mua”. Dần dần, do được tự tìm hiểu, yêu nhau rồi mới lấy, nhà gái cũng thông cảm với điều kiện kinh tế của nhà trai.
“Thách cưới, cứ 100 cái bánh dày, 120 kg thịt xôi. Nhà có bao nhiêu người thì bao nhiêu cái lễ. Bố mẹ, anh em, mỗi gia đình 1 con gà, 1 cái bánh. Họ hàng có nhiều người ta đòi nhiều, sau này chị có con thì những người họ hàng ấy lại mang gà đi phục vụ chị” – bà Vân nói.
Theo phong tục, mọi chi phí tổ chức đám cưới, sản vật dùng làm cỗ cưới của nhà gái đều do nhà trai lo liệu. Lễ vật đón dâu thường gồm: Tiền dẫn cưới, 100 chiếc bánh chưng, 400 chiếc bánh dày nhỏ, con lợn trên một tạ; 150 - 300 đôi bánh dày; 120 - 150 chiếc bánh tét; 10 - 15 con gà trống thiến. Và một người con rể có tâm còn phải để ý nhà vợ tương lai có bao nhiêu cô dì chú bác, anh chị em, thì gửi gắm cho mỗi người chút quà.
Nhà trai gánh sang 3 gánh lễ, nhà gái cho đi cả xe của hồi môn!
Lễ cưới chính thức tổ chức trong hai ngày. Nhà gái tổ chức hôm trước, nhà trai tổ chức hôm sau. Trước khi nhà trai đi đón dâu, phải làm lễ cúng tổ tiên. Lễ vật không thể thiếu đôi gà: 1 trống 1 mái, biểu hiện cho sự sinh sôi nảy nở. Đoàn người nhà trai đi đón dâu cũng phải có đôi, tổng là con số chẵn, tượng trưng cho sự may mắn. Thành phần đoàn thường từ 8 - 10 người, gồm: ông trưởng họ, bà mối, phù dâu phù rể và một số bạn bè, người thân.
Bà Nông Thị Vân thống kê lễ vật: “Lúc đi đón con dâu ấy, ba gánh lễ vật gồm bánh, con gà, thuốc lá, trầu cau, hẳn 1 con lợn quay nữa , 1 con lợn to 80 – 100kg, kèm theo hàng trăm chiếc bánh, 1 đôi lợn còn sống trọng lượng khoảng 6-70kg, to nữa càng tốt”.
Thường thì đám cưới rất cần sự chuẩn bị chu đáo của nhà trai, nhưng theo phong tục người Tày, nhà gái phải lo liệu từ rất sớm, thậm chí họ phải lo ngay từ khi sinh con gái.
Gánh lễ vật sang nhà gái. Ảnh: baomoi.com
“Từ khi đẻ con gái là bà mẹ đã nghĩ chuyện rồi. Sau đó, trước ngày cưới 2-3 tháng là chuẩn bị. Toàn bộ chăn màn vải vóc là từ bàn tay của mẹ và của người sẽ làm dâu đó khâu vá hết, chứ không phải bỏ tiền đi mua. Phổ biến nhất là 4 chăn 4 màn, lấy số đôi chứ không dùng số lẻ. Gia đình khó khăn cũng phải 2 chăn 2 màn. Nếu con dâu thuộc nhà khá giả thì còn 1 bộ chăn màn cho ông bà nội, cho bố mẹ, cho vợ chồng, bộ để ở phòng khách…” – theo ông Hoàng Đức Hiền, Phó chủ tịch Hội bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng.
Con gái Tày khoảng 10 tuổi đã lo trồng bông dệt vải, để khi kết hôn, có đủ gánh lễ dâng lên bàn thờ nhà chồng, đủ quà biếu ông bà nội ngoại, bố mẹ, cô dì chú bác bên chồng. Của hồi môn cô gái mang theo được mẹ đẻ và các bà các dì chuẩn bị chu đáo. Thường là vải vóc, chăn màn, đồ trang sức... đựng trong rương gỗ. Đồng thời, cô dâu còn phải chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ phục vụ sinh hoạt và lao động sản xuất.
Bà Vân bảo: “Nhiều lắm, có người hàng xe ngựa. Bắt buộc phải có, không có thì con gái bảo bố mẹ đẻ không chuẩn bị cho, con gái xấu hổ với bạn bè. Nếu đi làm dâu mà tách ra ở riêng thì cũng đủ làm ăn, không thiếu cái gì. Người Tày ở Cao Bằng thì họ giúp nhau, như bà gả con gái thì các bà các cô giúp mỗi người một cái chăn bông hoặc cái màn, chứ bố mẹ không tự sắm được hết. Nếu người ta gả con gái thì mình lại tặng, chẳng khác gì mượn nhau giúp nhau”.
Cô dâu mới không ở nhà chồng
Điều đặc biệt trong đám cưới người Tày là sau khi đón dâu, cô dâu mới không ở lại nhà chồng mà quay về nhà mẹ đẻ. Sau đó, cô được mẹ chồng “kiếm cớ” nhà bận nhiều công chuyện để gọi về, như: cấy lúa, nhổ mạ, giã gạo… cốt để đôi trẻ có dịp gần gũi. Khi cô gái có mang, chuẩn bị đến ngày sinh nở, mới được nhà chồng đón về. Và khi sinh con, cô dâu lúc này mới chính thức trở thành người bên chồng.
Ông Hiền kể trình tự của chuyện này: “Nhà trai đưa người con dâu đi trình họ hàng tổ tiên nhà trai xong, cô dâu lại quay về nhà mẹ. Đến 3 ngày sau, bên nhà trai có 1 lễ nhỏ thôi, có gà, xôi, thịt lợn, đến cảm ơn nhà gái. Sau đó, người con dâu gánh cái gánh nhà trai mang đến buổi sáng ấy về nhà chồng, nhưng cũng không ở nhà trai, mà lại về. Khi nhà trai bận ngày mùa cày cấy thì đi đón cô con dâu về. Ban ngày, con dâu đi làm, đêm lại về bố mẹ đẻ. Cho đến khi mang thai tháng thứ 6-7 thì còn 1 lễ nữa, gọi là song khoăn. Khoăn là hồn vía. Nghĩa là tuy đã tổ chức rồi, nhưng hồn vía người con gái vẫn ở bên bố mẹ đẻ. Nay sắp sinh nở rồi thì đưa hồn vía của con gái về hẳn, chính thức ở lại sống bên nhà trai”.
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận