Người Tày gánh rượu đi góp vui
Thứ năm, 00:00, 03/11/2016

(VOV4) - Người Tày có một loại rượu gọi là khẩu lẩu, được chưng cất từ men lá và gạo nếp. Cứ vào dịp lễ tết, những ngày vui sum họp, chén rượu lại được đưa ra để anh em, họ hàng cùng vui.



 

Khẩu lẩu là rượu gạo, đôi  khi là rượu nếp cẩm không qua chưng cất. Rượu thường được cho vào chum, vại hoặc đóng chai để quanh năm suốt tháng, nhưng không bao giờ mất đi mùi vị đặc trưng.

 

Ông Mông Văn Hoàng, ở huyện Chợ Mới, Bắc Kạn, cho biết: “Trước đây các gia đình khó khăn thì chủ yếu nấu bằng rượu bằng sắn, ngô. Khi kinh tế vững, chuyển sang nấu rượu gạo. Nó có sự giao thoa về văn hóa. Người Tày xưa chủ yếu là rượu sắn, rượu ngô; một số thì có thể chế từ cây đao, cây cọ”.

 

 

Khẩu lẩu là món quà dự lễ của họ hàng thân thích, mang tới góp hoặc tặng gia đình có đám lễ, thể hiện sự đoàn kết gắn bó. Ảnh minh họa: baomoi.com

 

Bà Nguyễn Thị Xuyến ở huyện Chợ Mới, cho biết theo truyền thống, món quà này gồm từ 5-10 kg gạo nếp hoặc gạo tẻ và 5-10 chai rượu, tùy theo mức độ thân thiết. Gạo được đựng vào “choóng” đan bằng tre và có nắp đậy. Còn rượu thì được đựng vào vò. Hai thứ đồ mừng làm thành một gánh: “Háp khẩu lẩu là người ta gánh rượu trên vai đi đến các lễ cưới, hoặc ăn hỏi, hoặc vui hội”.

 

 Người đi dự đám lễ, nếu còn trẻ thì tự mình gánh đến, đã có tuổi thì thường nhờ con cháu, họ hàng gánh hộ. 

 

Háp khẩu lẩu được gia chủ đón nhận rất cẩn thận. Đòn gánh được đánh dấu để đến khi xong lễ còn trả lại cho đúng chủ. Việc này rất quan trọng, vì gia chủ phải hoàn lễ, gọi là “tóp háp”, trả gánh kèm theo một xiên bánh dày, một chân giò lợn hoặc một thỏi thịt để cảm ơn.

 

 

Việt Phú/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC