Người Tày trắng hát lượn trống trang tang lễ
Thứ tư, 00:00, 19/04/2017 Thu Hòa biên tập bài Thu Hòa biên tập bài

VOV4.VN - Người Tày có rất nhiều câu hát, thể loại, kiểu hát khác nhau như lượn cọi, lượn s-lương, lượn then, lượn Nàng Hai, lượn khắp… Trong tổ chức đám tang, tùy mỗi địa phương, người Tày lại thay đổi cách hát, nhưng cơ bản trên làn điệu chung là lượn. Ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, người Tày trắng bày tỏ niềm thành kính với người đã khuất qua những bài lượn trống.

 

Theo quan điểm của người Tày trắng ở Hà Giang, gọi là “lượn trống” vì thường hát lượn cùng với trống, kèn trong đám ma. Lượn trống có 17 bài, khi phát tang, tiếng trống kèn nổi lên cũng là lúc bắt đầu lượn. Một đội ít nhất là 5 người, gồm 2 người đàn ông đánh trống to và trống bé, 2 người đàn ông thổi kèn, một người hát lượn, những người phụ thì dùng chũm chọe, vừa đánh vừa múa, đi xen nhau vòng quanh quan tài. Và cứ 10- 15 phút lại có một bài lượn mới, tượng trưng cho một hoạt động cụ thể trong lễ tang.

 

Nghệ nhân Hoàng Thị Cấp chia sẻ: Trong 1 ngày người ta mời người mất ăn 3 bữa cơm, sáng- trưa- tối, người ta sẽ lượn 3 bài trong 3 bữa đó. Con gái con rể mang lễ đến để viếng bố mẹ hoặc ông bà, thì lại có 1 bài lượn riêng. Đến khi nộp lễ cho người mất, vẫn là của con gái con rể, lại có 1 bài lượn nữa. Còn thông gia thì mang cành hoa và lễ vật đến, khi chào nhau thì có 1 bài lượn, rồi khi nộp lễ, dâng lễ cho lại có 1 bài lượn nữa.

 

Tang ma của người Tày. Ảnh: baomoi.com

 

Thường thì lời lượn giản dị, gần gũi, ví dụ trong bữa cơm có món ăn gì người ta sẽ hát về món đó. Khi mời cơm người chết, tiếng trống kèn nổi lên một lúc, dừng lại là ông thầy bắt đầu mời. Dù gắn với hoạt động nào, thì giọng điệu chung của các bài lượn vẫn là buồn, thấm thía, có mở đầu, có kết thúc.

 

Theo nghệ nhân Hoàng Thị Cấp, "mở đầu của các bài lượn trống thì bao giờ ông lượn cũng nói ý là: chúng tôi là người dưng, được gia đình mời đến đây, chúng tôi đến đây xin chào, và xin giới thiệu họ tên, đoàn chúng tôi như thế này, sau đó bắt đầu vào… Sau phần than thở ở phần cuối bao giờ cũng là lời dạy con cháu ở lại sẽ như thế nào, mỗi bài đều có những khúc như thế. Ông ấy hát với người chết, nhưng bên trong đó mình thấy ông ấy đang nói hộ cả người sống, cả con cháu cả gia đình họ hàng, tất cả những người có mặt ở đó là ông ấy nói hộ hết".


Khi đã nhập cuộc cùng gia chủ, đội kèn trống và ông thầy chuyên hát lượn sẽ chú tâm thực hiện phần việc của mình. Ông thầy này phải rất giỏi văn thơ, hát hò, đối đáp, có sẵn trong đầu rất nhiều phương án. Với dâu rể thì hát thế nào, người trẻ chưa lấy chồng thì hát làm sao, người cao tuổi thượng thọ thì họ lại thêm vào vài câu nữa, dựa trên một nền chung là nói thực tại và hướng đến tương lai.

 

Khách đến nhà dự đám tang, sẽ vừa trình người chết vừa báo với người sống. Những khách quý nhất của gia đình còn mang theo cả lễ vật, ông thầy sẽ đáp lại bằng một bài lượn. Họ của ông của bà, của bố của mẹ người mất, mỗi họ đến lại có một cành hoa, và có lễ vật như gà luộc, lợn, bánh trái. Khách đến nhà không phải khách của người sống, thì phải trình báo với người sống.

 

Khi chuẩn bị mổ lợn để làm đám tang, gia đình đưa lợn về dưới gầm sàn nhà mình, lấy 1 sợi chỉ, cắm vào ống hương của người mất, buộc một chân con lợn. Con trai, con gái sẽ cầm sợi chỉ này lên, và đội trống kèn bắt đầu lượn. Con cháu ai mang tới cái gì đều có 1 bài lượn, bài lượn ấy gắn luôn với đối tượng cho và nội dung giáo dục. Ví dụ biếu bố mẹ 1 con trâu thì khóc là bố phải tự chăm lấy, mẹ phải tự nuôi lấy, bây giờ cách nhau âm dương rồi, không giúp đỡ bố mẹ được, bố mẹ chuyển lên chỗ ở mới, thì bố mẹ tự chăm lấy, nuôi cho nó đông đàn, nuôi cho nó dài mái...

 

Cái hay của lượn trống là nghe lời hát bên ngoài tưởng họ đang hát cho người chết, nhưng thực ra là đang nói với người sống. Chỉ chuyện gửi lên mường trời cho bố mẹ con trâu con bò, mà có thể dành cả hai tiếng để lượn mới hết ý. Hát cho bố mẹ, cũng là giáo dục con cháu.

 

Nếu người trẻ chết, phần hát lượn sẽ lược bỏ bớt.

 

Thông qua các lễ thức của đám tang, có thể hiểu được phần nào những quan niệm về cõi sống, cõi chết của người Tày, hệ thống các quy tắc ứng xử trong gia đình, cộng đồng. Từ những quan niệm đó mà người Tày cảm  thấy nhẹ nhàng hơn trong kiếp luân hồi của đời người. Tri ân người chết, cũng chính là mong ước sự hồi sinh, nảy nở cho cuộc sống tiếp theo của người ở lại.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC