Người Thái đi xa phải để 1 chiếc áo ở nhà
Thứ hai, 00:00, 08/08/2016

(VOV4) - Diễn ra khá phổ biến trong đời sống hàng ngày, nên nghi thức cầm vía của người Thái khá đơn giản. Khi đã chọn được ngày lành tháng tốt, gia chủ tìm cho mình một thầy mo cao tay, rồi chuẩn bị những nghi lễ do thầy mo quyết định nhưng không bao giờ thiếu chiếc áo của người được cầm vía:


 

Nghi thức cầm vía của người Thái khá đơn giản. Khi đã chọn được ngày lành tháng tốt, gia chủ tìm cho mình một thầy mo cao tay, rồi chuẩn bị những nghi lễ do thầy mo quyết định, nhưng không bao giờ thiếu chiếc áo của người được cầm vía.

 

"Như anh đi tắm mà nhìn thấy vật lạ, ví dụ anh giật mình ở sông suối, thầy cúng phải ra đúng chỗ mình bị ngã để gọi vía hoặc phải tìm một chỗ rất linh thiêng ở trên dòng sông dòng suối đó, vì người ta quan niệm giật mình chỗ này nhưng hồn vía nó đã trôi dạt hay trú ngụ ở gốc cây đa, đã có người bắt giữ ở đó rồi, buộc anh phải ra đấy để anh gọi vía về. Trong giỏ của thầy cúng phải có áo, phải có cá, phải có đùm cơm, để nguyên. Các thầy mo cũng phải cầm khúc củi vẫn còn cháy phù phép cho hồn vía về cho khỏe mạnh, không bị các hồn vía khác mạnh hơn át đi, hay ma quỷ nó bắt nữa" - ông Vi Văn Viễn, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Việt Nam, cho biết.

 

 

Thầy cúng chuẩn bị lễ cho nghi thức cầm vía.  Ảnh: dantri.com

 

Lễ vật cho nghi thức cầm vía, tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình, tùy theo đối tượng phải làm lễ. Các cụ già bị ốm đau mà phải cúng qua thầy mo cao tay, người ta cúng suốt đêm, thì đó là những nghi lễ lớn, phải tính đến bao nhiêu con gà, bao nhiêu con lợn để ứng với từng con ma, từng then trên trời. Lễ cúng dù lớn hay nhỏ, cũng đều phải có con chó, vì gọi hồn qua nhiều cửa ải gian nan, nên phải có con chó để nó liếm những cầu bôi mỡ, hoặc phải có con vịt để chở hồn vía khi qua những con sông, những nơi hiểm trở.

Bắt buộc đồ lễ phải có những thứ đó thì buổi cầm vía mới thành.


Theo ông Viễn, có một điều thú vị nữa là những cô gái Thái ốm tương tư một chàng trai nào đó, thì cũng phải cúng vía để cô gái trở lại được với trạng thái bình thường:

 

"Đối với con gái hay ốm tương tư, phải lòng với một anh chàng ở miền xuôi hay miền biển, lúc nào cũng mệt mỏi, không làm gì được, đêm hay mơ sảng, nghi lễ cúng rất phức tạp. Các thầy mo phải dùng các sợi dây đỏ, tím, vàng, kết bè bằng những cái cạp lá chuối. Tất cả những đồ đem ra sông là cho xuôi về dưới, tức là để cắt đứt tất cả các mối quan hệ giữa hồn của cô gái này với một anh chàng ở dưới đấy".

 

 

Nghi thức buộc chỉ cổ tay. Ảnh: dantri.com

 

Việc dẫn dắt vía cũng được thực hiện từng bước, để thầy mo dẫn vía về đến nhà, rồi nhập vía bằng cách buộc chỉ cổ tay cho người được cúng vía. Nghi lễ sẽ có hai bước. Nếu ai bị giật mình, bị chém ở tay ở chân ngoài rừng thì phải ra đó cúng, gọi hồn, có áo, đùm cơm, đùm cá, hay vòng bạc, vòng tay để đi chuộc hồn về. Về nhà, đến chỗ cầu thang, phải hú một lần nữa để dẫn vía lên nhà. 

 

Thường thì nghi lễ cầm vía được diễn ra vào buổi chiều tà. Ông Vi Văn Viễn giải thích: “Hồn vía vào buổi chiều thì thường hay bị lạc, hay mủi lòng, tự ái, dễ bị lạc. Sau khi mọi nghi thức gọi hồn và làm các thủ tục dẫn hồn vía về nhà, thì thầy cúng phải thực hiện nghi thức buộc chỉ cổ tay, với hàm ý buộc chặt linh hồn với thể xác, hồn sẽ không còn bị lạc đi đâu được nữa. Tùy vào độ tuổi mà màu chỉ buộc cũng khác nhau”.

 

Đối với nam cao tuổi thì người ta buộc chỉ đen, còn đối với nữ thì  buộc chỉ trắng; đối với các thanh niên, trung tuổi trở xuống thì pha một ít chỉ màu. Các hình thức buộc chỉ cũng có những khác biệt. Trong nghi lễ cầm vía cho các thầy mo, các con nhang, đệ tử, thì thầy cúng không buộc chỉ ở tay người được cầm vía mà lại phải buộc chỉ ở cổ. Chỉ đó phải được hơ qua một ngọn nến cắm trên thanh kiếm nhọn, hơ qua hơ lại 3 lần mang ý nghĩa là trừ hết rủi ro.

 

Dây chỉ ấy tượng trưng cho cái hồn bản mường, là sợi dây nối giữa linh hồn với thể xác, mong lúc nào cũng phải cột chặt linh hồn vào với thể xác.

 

 

Việt Phú/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC