Người Thái "tắm lửa" để linh hồn siêu thoát về Mường Trời
Thứ sáu, 00:00, 17/02/2017

(VOV) - Tục hoả táng của đồng bào Thái đen có từ xa xưa, đến nay vẫn được lưu truyền ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc. Đồng bào quan niệm con người khi chết đi được tắm qua lửa sẽ được lên “Mương trời”, trở thành người mới, sống no đủ ở một thế giới khác.


       
Hoả táng, người Thái đen gọi là “ Siêu”. Khi trong bản có người qua đời, việc hoả táng sẽ được bà con chuẩn bị theo nghi thức tang lễ của bản. Tại nghĩa địa, người ta chuẩn bị đống củi chất cao quá đầu người. Củi khô, củi tươi xếp chồng lên để khi đốt, lửa không tàn nhanh, cháy đều, cháy hết, linh hồn người quá cố mới siêu thoát.

Ông mo Quàng Văn Vinh, ở bản Phiêng Nghè, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, người thường xuyên làm công việc dẫn dắt linh hồn người qua đời về Mường trời, cho biết:

 

"Tục hoả táng có từ lâu đời. Ngày xưa, lễ tang ma của đồng bào Thái hết 2, 3 ngày, do có nhiều con cái, người ta chờ nhau để làm lễ cúng bái cho người đã khuất. Hoả táng là do đồng bào Thái quan niệm người chết được tắm lửa mới được sạch sẽ, siêu thoát. Đồng bào quan niệm khi con người về với tổ tiên thì phải sạch sẽ".

 

 

Cảnh hỏa tháng trong một đám tang người Thái đen. Ảnh:baomoi.com 

 

Khi người thân qua đời, con cháu sẽ tắm rửa, diện quần áo mới cho họ. Gia đình nào khá thì cho thêm mấy đồng bạc trắng. Sau khi cúng tế, chọn được giờ tốt, bà con đưa quan tài ra nghĩa địa, con cháu xếp thành hàng nối nhau đưa người quá cố đến nơi hoả táng.


"Hoả táng được coi là tắm nước sạch, nếu không được hoả táng thì cho là không được tắm. Tắm lửa thành người sạch, gội rửa thành người mới, cho nên mới hoả táng – ông mo Quàng Văn Vinh nói.


Ông mo tế lễ xong, quan tài được con cháu đưa lên giàn củi. Con rể được chọn làm người đưa đường dẫn lối người qua đời về mường trời sẽ châm lửa trước, sau đó đến các con cháu. Mỗi người đi đưa tiễn bẻ lấy một nắm cây xanh làm quạt. Quạt chỉ được phẩy lên chứ không được phẩy xuống, ý là tắm cho người quá cố. Khi lửa cháy to, phụ nữ được về trước, đàn ông ở lại vun cho lửa cháy to cháy đều.


Sau khi tiễn đưa người đã khuất, những người quay về đi theo một lối, không đi đường tắt, vì bà con cho rằng nếu đi tắt thì hồn người chết sẽ nhầm đường lạc lối. Lửa tàn, mọi người quay về nhà làm lễ chia của cải cho người chết.

 

Trong lễ hoả táng không thể thiếu con trâu hoặc con bò. Ông mo cầm 1 sợi chỉ, 1 sợi tơ tằm, đàn ông cầm sợi tơ tằm, đàn bà cầm sợi chỉ xỏ từ mũi trâu kéo về hướng cầu thang rồi thả xuống gầm cầu thang. Ông mo tế gọi hồn người chết về nhận đủ lễ vật mà gia đình chia cho. Cúng tế xong, con trâu hoặc con bò được mang đi làm thịt cho dân bản ăn. Còn thủ trâu sẽ được cắt treo ở nhà mồ.


Mọi thủ tục được làm xong, ông mo cùng con cháu người chết ra nơi hoả táng nhặt xương cốt. Xương cốt được rửa bằng rượu trắng, sau đó cho vào túi vải khâu lại, trong túi vải có luồn cọn tơ tằm thòng ra ngoài. Cúng tế xong, hài cốt được chôn chặt, nhà mồ được dựng lên cùng các đồ vật, đồ lễ cho nhà mồ đầy đủ sắc màu.

 

Theo ông mo Quàng Văn Vinh, đồng bào quam niệm sợi dây tơ tằm là sợi dây nối âm dương, để cho hồn người đã khuất bay ra, hồn thiêng thì về nhà phù hộ, độ trì cho con cháu. Dù có chôn chặt nhưng sợi dây tơ đó vẫn được treo lên nhà mồ, để hồn người đã khuất về với con cháu.


Tục hoả táng của đồng bào Thái đen đến nay vẫn được lưu truyền ở một số địa phương vùng Tây Bắc. Trước đây, lễ hoả táng kéo dài 3 ngày, 2 đêm. Ngày nay, để tiết kiệm thời gian, chi phí, bà con hoả táng trọn trong một ngày. Tuy nhiên, đa số việc hoả táng ở các bản làng đều thực hiện thủ công, chưa có lò hoả táng nên ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi.

 

 

 

Lường Hạnh/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC