Người Xơ Teng ăn lúa giống thừa
Thứ ba, 00:00, 27/09/2016

(VOV4) - Sau nghi thức rước hồn lúa ra rẫy và làm lễ trỉa lúa, vài ba tuần sau, khi cây lúa đã mọc đều, lúc ấy các buôn làng người Xơ Teng mới chuẩn bị lễ ăn lúa giống thừa, bà con gọi là Mân-cá-tông.

 

Chị Y Bả, ở huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum, đã nhiều năm đảm nhận vai trò chiln - người phụ nữ duy nhất trong gia đình được phân công chăm sóc hồn lúa, kể rằng: “Đi thăm rẫy, nếu thấy lúa không mọc đều thì chúng tôi phải đi tỉa tiếp. Đợi lúa mọc đều rồi, là được ăn lúa giống thừa. Mỗi người được ăn một ít, một ít, ăn để mừng mà”.

 

Tiến sĩ A Tuấn, công tác tại Viện nghiên cứu văn hóa, (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cũng là người Xơ Đăng, nhóm Xơ Teng, cho biết: “Không được ăn trước hoặc ngay sau khi trỉa hạt, vì phải đề phòng khi lúa không mọc, hay là mọc, nhưng bị chết do hạn hán, thì vẫn còn giống để gieo trồng”.

 

Để tổ chức lễ này, người Xơ Teng phải chuẩn bị trước đó hai tuần, trong khoảng thời gian làm cỏ đợt một. Đàn ông vào rừng săn bắn, phụ nữ làm rượu ghè và vào rừng tìm măng, hái rau. Một ngày trước khi bước vào lễ, chiln lấy lúa giống thừa trên kho lúa xuống, đem về nhà để sàng sảy cho sạch. Sáng sớm tinh mơ, người Xơ Teng thức dậy giã lúa. Gạo giã sạch được đem đi cất đề chiều cúng thần. Để làm lễ này, người ta có thể mổ lợn hoặc gà tùy theo điều kiện của từng gia đình. Chuẩn bị xong xuôi, mơ-ngai-zăk-xiêm-nghê (tức là người đàn ông chủ nhà) và chiln bắt đầu lên rẫy để cúng. 

 

Nghi thức cúng lúa của người Xơ-teng.  Ảnh:baomoi.com

 

Trên đường đi lên rẫy, người ta dùng cây le đánh dấu chữ thập. Đó là dấu hiệu để dành cho những người trong làng, trong cộng đồng, biết đây là vùng đất đã có chủ, các gia đình khác, người làng khác không được động đến khu rẫy của họ. Và việc đánh dấu này cũng là để ngăn ma quỷ không xâm nhập vào khu rẫy của họ. Người phụ nữ cõng gùi thiêng, đựng một con gà trống và một con dao nhỏ. Gần đến khu rẫy của nhà mình, ông chủ nhà chặt một cây le để làm cây gâng-knuội-chẹc (như cây nêu nhỏ) ở trên rẫy. Khi đến rẫy, chiln sẽ nhóm bếp lửa trong chòi, sau đó bà đi một vòng quanh rẫy để xem lúa.

 

Chủ nhà bắt đầu khấn: "Hỡi các thần!  Hôm nay chúng tôi lên rẫy để cúng lễ ăn lúa giống thừa/ Nay chúng tôi không cần dự trữ số giống thừa này/ Chúng tôi cúng con gà để các thần chứng kiến/ Xin cho lúa khỏe mạnh, trổ bông nhiều/ Đừng cho nắng gắt cháy lúa, đừng cho mưa nhiều thối cây/ Xin các thần cho phép chúng tôi ăn số giống thừa còn lại".

 

Khấn xong, ông cắt cổ con gà và vẩy máu gà lên cây gâng-knuội-chẹc, chiln dùng ống nứa để đựng tiết gà, sau đó vẩy tiết gà quanh khu vườn pa-geng (là rẫy thiêng trồng lúa giống), rồi vẩy lên lá của các cây trồng khác trong rẫy thiêng. Thủ tục trên rẫy đã xong, về đến nhà, chiln đem con gà chế biến, đồng thời bà nấu cơm bằng số gạo giã lúc sáng để làm vật cúng tế. Lễ vật được đặt vào cái nia, gồm có  9 bát cơm cùng đầu và gan của con gà.

 

Theo chị Y Bả: “Khác với một số nghi lễ khác, nghi lễ này thường do chiln đảm nhiệm. Khi mọi thứ đã được bày biện hoàn tất, thì sẽ khấn là: Hôm nay nhà tôi ăn lúa thừa/ Xin các thần cho lúa mọc đẹp, mùa màng bội thu/ Chim, chuột không được ăn, không được phá/ Gió đừng thổi mạnh".

 

Lời khấn dứt, cả gia đình cùng nhau ăn uống. Trong ngày đầu, họ chỉ ăn uống trong phạm vi gia đình. Sang ngày thứ hai, mới có sự tham gia của anh em, dòng họ. Người ta đem rượu, thịt, tập trung tại nhà rông để cùng nhau ăn uống, trò chuyện, cùng nhau tấu cồng chiêng và xoang (múa). 

 

Nghi lễ này liệu có còn lưu truyền trong buôn làng người Xơ Teng hôm nay? Tiến sĩ A Tuấn cho biết: “Hiện nay, nghi lễ ăn lúa giống thừa vẫn còn tồn tại, tuy nhiên không còn giữ được đầy đủ nghi thức như xưa nữa, đơn giản hơn rất nhiều. Ngày nay, họ ít cúng trên rẫy mà chỉ cúng tại nhà”

 

Người Xơ Teng lag một nhóm của dân tộc Xơ Đăng, cư trú chủ yếu ở hai huyện Đắc Hà và Tu Mơ Rông, Kon Tum.

 

 

 

Thanh Tâm/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC