Người Xơ Teng đóng cửa làng làm lễ trỉa lúa
Thứ năm, 00:00, 18/08/2016

(VOV4) - Xong các việc chọn đất, phát rẫy, rồi đốt rẫy, dọn đất và tổ chức nghi lễ bắc máng nước, người Xơ Teng bắt đầu bước vào mùa vụ mới. Khi con chim klang pong cất lên những tiếng hót đầu tiên, những tia chớp đầu tiên báo hiệu cơn mưa đầu mùa, thì cũng là lúc người Xơ Teng bắt đầu nghi lễ trỉa lúa.

 

Khi đã chọn được ngày ưng ý, già làng tập hợp các Mơ-ngai-zăk-xiêm-nghê (tức là những người đàn ông trưởng thành, những người trụ cột trong gia đình) để chuẩn bị công việc trỉa lúa. Ngày đầu tiên của ngày lễ trỉa lúa, dân làng giăng dây ra khắp đường làng. Trên cổng làng, bà con giắt lá xanh. Đó là dấu hiệu làng đang có kiêng cữ.  Dân làng không muốn người ngoài làng tới quấy rầy, vì sợ hồn lúa đi mất.

 

Trong ngày trỉa lúa đầu tiên, các gia đình đều cắm cây Gâng-knuội-chẹc (gần giống như cây nêu, nhưng nhỏ hơn), có gắn tua rua. Cây Gâng-knuội-chẹc thường được đặt ở phần sàn trước cửa chính nhà, cạnh cối giã gạo. Đồ cúng được bày ra, gồm: một ống cơm rượu nếp, ít vừng rang, một con gà.

 

Mọi thứ chuẩn bị xong, Mơ-ngai-zăk-xiêm-nghê đến cạnh cây Gâng-knuội-chẹc, mặt hướng về phía rẫy nhà mình và bắt đầu khấn: “... Hôm nay là ngày trỉa lúa. Chúng tôi cầm con gà, xin cúng các thần. Xin hồn của thần Lúa đừng sợ, đừng đi theo gió, theo nước. Hãy trở về bên gié lúa. Chúng tôi mời các thần tối cao trên đỉnh Ngọc Linh. Mời thần rừng, thần lửa, thần nước. Các thần hãy chấp nhận và xuống đây để ăn cơm rượu và máu gà. Xin hồn của thần Lúa hãy về mau để chúng tôi trỉa hạt...".

 

 


Tuốt lúa đưa về kho. Ảnh minh họa: baomoi.com

 

Khấn xong, ông cắt máu gà ra ống nứa, lấy một ít vẩy lên cây Gâng-knuội-chẹc, sau đó nhổ 5 chiếc lông cánh gà buộc vào cây Gâng. Chiều đến, Mơ-ngai-zăk-xiêm-nghê cử thanh niên lên rừng tìm chặt cây nứa, hoặc lồ ô có nhiều đoạn dài, mang về đẵn từng lóng ra, lấy nước đọng trong đó tưới cho lúa giống để lúa mọc nhanh, lên đều.

 

Vì sao người Xơ Teng không lấy nước ở khe, ở suối để tưới cho lúa giống? Tiến sĩ A Tuấn, Viện Nghiên cứu văn hóa, giải thích: Người Xơ Teng quan niệm nước dưới ao hồ là nơi cai trị của thần nước, mà hai vị thần nước và lúa rất kỵ nhau bởi vì dính dáng đến câu chuyện tình tay ba giữa thần lúa, thần nước và thần sấm sét.

 

Sáng sớm ngày thứ hai, mỗi gia đình cử 3-4 người đảm nhận công việc trỉa lúa, trong đó phải có Mơ-ngai-zăk-xiêm-nghê và người phụ nữ chiln (người chủ gia đình). Trước tiên, chiln mở kho lúa để lấy tất cả các loại giống lúa và hoa màu. Khi từ kho lúa bước xuống, chiln phải lấy một cây đót khô, đặt ngọn xuống đất, gốc chạm cửa kho lúa, để làm cầu thang cho hồn lúa theo ra rẫy. Trong ngày này, tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình mà lễ vật cúng có khác nhau. Nhà khá giả thì có cả heo và gà. Nhà nghèo khó thì chỉ cần một con gà trống nhỏ.

 

Tiết heo và gà được đựng trong một ống nứa. Trước khi tưới vào các gùi lúa giống và các lại hoa màu, Mơ-ngai-zăk-xiêm-nghê lấy tay chấm một ít tiết, bôi lên xoáy đầu và trán chiln, để cầu mong cho chiln không bị đau ốm để bà đảm đương những công việc trong vụ trỉa mùa sắp tới. Đây là người đảm nhiệm công việc chính, từ khâu chọn giống, lấy giống, trỉa hạt trong suốt mùa trỉa lúa.

 

Mơ-ngai-zăk-xiêm-nghê bắt đầu khấn: “Hỡi các thần! Hôm này nhà tôi lấy giống lúa ra. Chúng tôi lấy máu heo, máu gà cúng cho lúa giống. Lúa giống đã được cúng bằng máu heo, máu gà .

Xin các thần cho vợ tôi lấy giống để trỉa trên rẫy

Xin các thần cho đất tươi mát, cho ngày nắng đêm mưa

Xin cho hạt giống mọc đều, mọc khắp rẫy...

 

 

Đánh cồng chiêng cầu mong mùa màng tươi tốt. Ảnh:dantri.com

 

Cúng xong, mọi người chuẩn bị lên rẫy mới để trỉa hạt. Lúa giống được bỏ vào một chiếc gùi thiêng do chiln đảm trách. Gùi được đậy kín bằng một tấm dồ (vải thổ cẩm) mới. Trên đường đi, đàn ông chặt gốc le để tra lưỡi cuốc, còn chiln không được quên ghé qua rẫy cũ lấy một cây chuối rừng, một cây môn rừng và một khóm sả để đem lên trồng trên khu rẫy mới, cho chúng làm bạn với cây lúa, cũng để xua đuổi rắn.


Khi Mơ-ngai-zăk-xiêm-nghê kết thúc bài cúng trên rẫy mới, chiln mới được phép trỉa lúa. Đầu tiên, chiln trỉa bên phải 7 lỗ, sau đó trỉa bên trái 5 lỗ. Hoàn thành việc trỉa phép, mọi người cùng nhau về nhà. Lúc này, những người ở nhà đã nấu nướng xong. Mơ-ngai-zăk-xiêm-nghê lấy một miếng gan gà, đặt lên miệng ghè rượu và khấn: “Hôm nay chúng tôi đã làm xong phong tục trên rẫy mới. Xin các thần phù hộ cho chúng tôi sức khỏe, để làm ăn no đủ".

 

Sáng hôm sau, tất cả các thành viên trong gia đình đều lên rẫy trỉa lúa. Lúa giống được cõng bằng chiếc gùi to. Với người Xơ Teng, khi trỉa lúa trong ngày, họ ít khi để lúa thừa. Tiến sĩ A Tuấn giải thích: "Chỉ trỉa trong một ngày là phải về nhà, không được ngủ lại rẫy. Nếu ngủ lại, thú rừng sẽ thấy hơi người, tìm về phá phách".

 

Thời gian trỉa lúa tùy thuộc vào rẫy to hay nhỏ, nhanh thì một tuần, chậm thì một tháng. Trong quá trình trỉa lúa, chiln sẽ đảm nhiệm việc trỉa lúa giống và các loại hoa màu khác trong khu rẫy thiêng, sau đó bà mới tham gia cùng mọi người trỉa hạt giống trên khu rẫy còn lại.

 

Tùy vào từng gia đình, nếu thích thì họ sẽ chọn các hạt giống như: bí, bầu, ớt cùng với lúa để trỉa. Tuy nhiên, họ thường trỉa riêng các loại. Lúa thường được trỉa trước, sau đó mới gieo xen kẽ các loại giống hoa màu và rau củ khác.

 

Trỉa lúa xong, người Xơ Teng thường ăn uống no say, vì lúc này đã hết ngày kiêng cữ, cũng là để nghỉ ngơi sau những lao động vất vả. Và chỉ khoảng một lần trăng tròn nữa thôi, bà con lại chuẩn bị cho lễ ăn lúa giống thừa, khoảng tháng 7 dương dịch ăn lá lúa lá bí, và tháng 10 dương lịch thì ăn cơm mới.

 

 

 

Thanh Tâm/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC