Nhà đất của người Nùng Phàn Slình
Thứ ba, 09:32, 04/01/2022 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN – Người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn có nhà gạch mộc, nhà trình tường. Đây là loại hình nhà đất phổ biến của bà con.

Cấu trúc nhà đất của người Nùng Phàn Slình
Nhà trình tường của người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn được trình bằng đất trong khuôn dài khoảng 1,5 – 2m; rộng 50 – 60cm. Khi làm, bà con cho từng khuôn lên, đổ đất sét vào và trình xuống tạo thành một tường nhà chắc chắn. 
Ở Lạng Sơn, nhà trình tường thường xuất hiện ở vùng Lộc Bình, Cao Lộc. Các lớp tường gắn với nhau bởi thanh tre đã được ngâm nước. Sau khi đổ đất và cho thanh tre vào khuôn, người ta dùng dầm nện kỹ đất, rồi tháo ván ra, để tường khô và làm tiếp lớp khác.

Một ngôi nhà trình tường ở Lạng Sơn. Ảnh: thegioidisan.vn

Nhà gạch mộc cũng được làm bằng đất sét. Tuy nhiên, bà con dùng đất sét ấy tạo thành những viên gạch rồi xếp lên nhau, lấy bùn non làm chất kết dính. Khuôn gạch mộc dài khoảng 60cm, rộng tàm 50cm và dày 10cm. 
ThS Lý Viết Trường, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia HN, người Nùng Phàn Slình ở bản Nà Lẹng, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn cho biết, hai loại nhà này đều có mặt bằng sinh hoạt giống nhau. Từ cửa chính bước vào là một gian phụ. Nơi này bà con thường đặt 2 chiếc giường ở hai bên đối diện nhau và giường này sẽ dành cho khách. Tiếp đến là gian chính – nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Sau đó là các gian buồng của chủ nhà, các thành viên trong gia đình. 
Trong mỗi nếp nhà của người Nùng Phàn Slình thường có một nơi dành riêng cho bếp. Đây cũng là nơi linh thiêng, gắn kết mọi thành viên trong gia đình. Họ quan niệm, bếp cũng có một vị thần trú ngụ.
Bàn thờ - Nơi hội tụ tín ngưỡng thờ cúng độc đáo
Ngoài bếp, với người Nùng Phàn Slình, vị trí trang trọng nhất, linh thiêng nhất đó chính là bàn thờ. Cũng giống như người Nùng Cháo – một nhánh địa phương của người Nùng, bàn thờ của người Nùng Phàn Slình có 2 tầng. Tầng trên thờ Phật bà Quan Âm, một số nơi thờ Hắc Hổ Huyền Đàn – một vị thần trong đạo giáo. Ở bàn thờ này người ta thường cúng đồ chay. Tầng thứ nhất là nơi thờ tổ tiên. 
Người Nùng Phàn Slình chỉ thờ tổ tiên 3 đời. Đến đời thứ 4 trở đi họ sẽ thờ ngoài sân. ThS Lý Viết Trường cho hay: “Bàn thờ ở ngoài sân này có tên gọi là pi thang sàng. Vị thần này trông coi nhà cửa, cai quản gia súc, gia cầm. Trên bàn thờ tổ tiên này thờ những người tổ tiên là nam giới. Còn những người tổ tiên là nữ giới của dân tộc Nùng được thờ ở một gian đằng sau gian giữa. Và những tổ tiên là nữ giới thì được thờ ở đằng sau đấy”. 
Tuy nhiên, gần 20 năm trở lại, đây việc thờ cúng này cũng có sự thay đổi. Bà con đã đưa bàn thờ của những người tổ tiên là nữ giới đặt cùng với bàn thờ những người tổ tiên là nam giới ở trong gian chính ngôi nhà.  
Mặc dù vậy, những kiêng kỵ liên quan đến bàn thờ tổ tiên vẫn được các gia đình người Nùng Phàn Slình gìn giữ. Phụ nữ ít lui tới nơi đây.
Ngôi nhà của người Tày – Nùng bao giờ cũng có bậc cửa. Đây được coi là ranh giới giữa thế giới trong nhà và thế giới ngoài nhà. Họ kiêng không giẫm lên bậc cửa, tránh không phá vỡ ranh giới ấy để ngăn chặn ma tà thừa cơ xâm lấn.
Trong ngôi nhà của người Nùng Phàn Slình còn một nơi thờ tự dành riêng cho bà Mụ - vị thần trông coi hồn vía của con người. Tùy từng gia đình mà bàn thờ này được đặt ở vị trí ở bên phải hoặc bên trái của gian giữa ngôi nhà. 
Việc lập bàn thờ mụ được thực hiện khi trong gia đình có thành viên mới sinh. Khi ấy, họ ngoại sẽ mang bàn thờ đến để lập bàn thờ Mụ cho cháu. Bàn thờ này sẽ để đến khi người mẹ đẻ mất đi. Họ đem thả trôi với dòng suối, hàm ý trả lễ cho bà Mụ.
Ngược lại, người Tày – Nùng ở Văn Quan, Lạng Sơn, khi con cái đã thành gia lập thất hết người ta sẽ dỡ bỏ bàn thờ Mụ. Khi con cái họ đẻ con, họ tiếp tục lập bàn thờ Mụ mới. 
Mang lửa vào nhà mới
Theo phong tục của người Nùng Phàn Slình, khi làm được một ngôi nhà mới bà con thường có lễ lên nhà mới, để cầu mong những điều tốt lành cho gia chủ. Đồng thời cảm ơn cộng đồng, làng bản, anh em, họ hàng đã giúp họ dựng nên ngôi nhà ấy.
Lễ vật cúng tế thường có gà, vịt. Nhà có điều kiện sẽ làm lợn. Dưới sự hướng dẫn của thầy tào, người chủ nhà mang ngọn đuốc thắp đỏ lửa châm từ bếp nhà cũ sang châm bếp nhà mới. 
Sau đó, họ lấy nước từ ấm đã đun sẵn lau dọn bàn thờ tổ tiên và đưa bát hương mang từ nhà cũ đặt lên bàn thờ nhà mới. Xong xuôi, họ gián giấy đỏ, đôi câu đối lên bàn thờ tổ tiên. 
Cuối cùng, chủ nhà mời khách ăn bữa cỗ, bày tỏ lòng cảm ơn sự giúp đỡ của họ cả về vật chất, tinh thần trong suốt quá trình làm nhà.

Thu Cúc/VOV4


HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC