(VOV4) - Trong đám cưới của dân tộc Hoa, thường xuất hiện những con số, hầu như là số chẵn, số đôi. Những con số này hàm chứa ý nghĩa sâu sắc.
Khi hai bên gia đình đồng ý chuyện thành hôn của đôi trẻ, sẽ tiến hành lễ làm quen. Lễ vật gồm: trà (4 hộp), trầu cau (12 trái) và nhẫn cho cô dâu – hàm ý làm tin. Lễ hỏi, nhà trai mang đến nhà gái 4 mâm gồm: trầu cau, rượu, trà, đùi lợn cùng bánh trái. Nếu có thêm mâm lễ vật nữa thì tùy nhà trai, nhưng phải là số chẵn. Số lượng mâm càng nhiều thể hiện sự khá giả của nhà trai. Thường thường là 8-10-12 mâm.
Trong lễ hỏi, nhà trai còn mang đến trao cho nhà gái số tiền “nợ”. Số tiền này luôn là bốn con số 4, như: 4.444.000 đồng hay 44.440.000 đồng. Thường thì nhà gái lấy hai con số giữa (như lấy 440.000 đồng hay 4.400.000 đồng ) còn thì hoàn lại cho nhà trai. Vì người Hoa quan niệm 44 là con số đẹp, là sự vuông tròn, bền vững. Việc trả lại con số 4 đầu và số 4 cuối là có “tiền”, có “hậu”. Đây được gọi là lễ Nạp tài (hay Nạp trưng).
Lễ vật nhà trai mang tới gồm trầu cau, rượu trà, lợn, bánh trái và tiền. Ảnh: baomoi.com
Trong đám cưới người Hoa còn có phần thách cưới của nhà gái và nhà trai có quyền "trả giá", nhưng lễ vật và tiền cưới thường có con số 6 hoặc số 9. Lễ vật ăn hỏi hay đám cưới chính thức cũng vậy. Vì người Hoa quan niệm đây là những con số tốt, may mắn. Có nhà thách 60 cân gạo, 60 cân thịt, 60 lít rượu.
Đặc biệt, người Hoa rất thích mọi thứ có đôi. Đám cưới thì càng cần đến điều này, thể hiện sự chung sống hạnh phúc, quyến luyến không rời. Trước ngày cưới một hôm, nhà trai chủ động mang sang nhà gái đồ sắm cho con dâu mới, gồm: một đôi chăn, một đôi màn, một đôi chậu, một đôi chiếu, một đôi phích và 10 bộ quần áo. Đến hôm sau, tổ chức cưới xong thì ông mối mở ra từng thứ một, giới thiệu cho nhà gái biết. Ông bà, bố mẹ cũng cho con gái của hồi môn mang đi, gồm: một chiếc vòng tay bằng bạc, một dây đeo yếm bằng bạc, 1 đôi màn, 1 đôi chăn, 1 đôi chiếu, 1 đôi hòm.
Cô dâu thì không quên khâu những đôi giày cho các thành viên gia đình chồng. Theo phong tục, cô phải khâu cho mỗi người một đôi, số đo thì lấy trước khi tổ chức cưới vài tháng.
Mọi thứ trong đám cưới người Hoa đều có đôi, như một cặp gà trống mái, một cặp dừa khô để trong nhà. Hoặc một cặp vịt trắng cổ buộc sợi chỉ đỏ, vô số liễn đối màu đỏ dán quanh nhà. Tất cả đều nhằm hướng tới cuộc sống bình an, hạnh phúc. Theo phong tục của người Hoa, cô dâu và chú rể khi về chung sống còn phải cùng nhau ăn 100 miếng trầu, để vợ chồng chung thủy đến đầu bạc răng long.
Dân tộc Hoa có dân số hơn 1 triệu người, sinh sống tại hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bình Dương, Bắc Giang.
Các tên gọi khác: Khách Trú, người Hán, người Tàu, Ba Tàu. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (Ngữ hệ Hán - Tạng).
Người Hoa thường dựng vợ gả chồng cho con trong cùng tộc người hay trong cùng một nhóm địa phương. Hôn nhân của con do cha mẹ quyết định trên cơ sở tương đồng về hoàn cảnh kinh tế và địa vị xã hội. Trưởng họ, ông mối, các chức dịch đóng vai trò khá quan trọng trong hôn nhân.
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận