Nước tinh khiết mới được người Kh'mer lễ chùa
Thứ tư, 00:00, 26/10/2016

(VOV4) - Trong các loại nước ở thế giới phàm trần, người Kh'mer coi nước mưa và nước từ hoa quả là thứ nước tinh khiết nhất. Và trong những nghi lễ của Phật giáo Nam tông Kh'mer, chỉ những thứ nước tinh khiết mới được dùng.

 

Chỉ hai nguồn nước này mới được bà con dân tộc Kh’mer tin tưởng sử dụng trong các nghi thức tâm linh. Theo ông Sơn Đel ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng, ngay từ lúc mới lọt lòng, những đứa bé Kh’mer đã được tắm bằng nước do trời ban tặng, nấu cùng lá thơm, để cầu mong những điều tốt đẹp:


“Người Khmer nói nước mưa sạch là vì nó từ trên trời. Trẻ con mới sinh tắm nước thơm đó để rửa mình mẩy, đặng là cho con cháu mình lớn lên mạnh khỏe, giỏi giang. Mấy ông già già hồi xưa thì làm vậy cho con cháu để rửa những tội tình từ kiếp trước, để bắt đầu cuộc sống mới”.

 

Nghi thức tắm Phật của người Kh'mer.  Ảnh: dantri.com


Tương tự, đến khi con người chết đi, sau khi hỏa táng, người Kh’mer cũng có phong tục dùng nước mưa hay nước dừa để rửa sạch bụi bẩn trước khi đưa vào chùa.

 

“Mình cúng 2, 3 năm rồi mình đưa vào chùa để trong tháp đó, rồi sau này nghe ông lục tụng kinh thì cha mẹ vui, đi chỗ khác, rồi sinh đẻ nữa. Mình là con, mình có hiếu với cha mẹ vậy đó. Nước mưa cũng được mà nước dừa tốt hơn, mình biết hiếu với cha mẹ, mình tưới nước dừa cho nó ngọt ngay, mát mẻ” - ông Huỳnh Tích, ở ấp Bưng Chông, nói.

 

Không chỉ được dùng để giải uế, theo ông Sơn Del và Huỳnh Tích, nước mưa sau khi được thiêng hóa bằng kinh chú của chư tăng, được người Kh’mer xem như một loại thuốc chữa bệnh vô cùng hiệu nghiệm. Đồng bào dân tộc Kh’mer, cho đến giờ, vẫn cất trữ nước mưa để chữa bệnh, với niềm tin: “Thí dụ bệnh hoạn gì, hay mình muốn làm ăn gì là mời ông lục tụng kinh vảy nước là được liền. Nước mưa mình để 7 năm, 10 năm, nó chữa bệnh được”.

 

Trên bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật của người Kh’mer vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn có những cốc nước mưa như một thứ lễ vật. Những ao hồ tích trữ nước mưa dùng vào kì hạn hán ở từng phum sóc luôn được bà con dựng lên những huyền thoại, rằng, có một vị thần cai quản, để răn đe con cháu không được làm vấy bẩn.

 

Và trong những lễ hội như lễ cúng trăng, lễ cầu mưa, nước lại trở thành đối tượng để bà con thờ phụng, cầu khẩn. 

 

 

Hoàng Minh/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC