Ông cậu của người Pa cô
Thứ sáu, 13:24, 17/12/2021 HH BTCT + 1 ảnh HH BTCT + 1 ảnh
VOV4.VN - Ở Quảng Trị, người Pa cô sinh sống chủ yếu tại miền núi Đakrông, Hướng Hóa và một số xã ở phía Tây của các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh. Trong văn hóa, tâm linh, ông cậu có vai trò rất quan trọng.

Cậu là suối nguồn
Ông Kray Sức, nguyên cán bộ văn hóa xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị cho biết,  đồng bào Pa cô coi cậu như “suối nguồn”, có ý nghĩa như sự sống nên họ vô cùng tôn trọng. 
“Bởi vì đồng bào Pa Cô mình quan niệm: nước từ trên nguồn chảy ra, mà mẹ của mình là từ nhà cậu. Cho nên mình tôn trọng đấng sinh thành ra mẹ mình, cũng như mình bảo vệ nguồn nước thôi. Nó trên nguồn mà mình chặt phá cây cối thì đất đai khô cằn, cuối cùng khô nước đó. Mà nếu khô nước là mình khổ”. – Ông nói.

Ông Kray Sức trong một buổi giới thiệu văn hóa của người Pa cô

Trong cuộc sống, họ quý mến cậu về tình cảm. Trong phong tục, tín ngưỡng cậu sẽ là người đưa ra mọi quyết định hệ trọng. Đơn cử như đám cưới. Khi nhà trai mang lễ dạm ngõ với nhà gái, ngoài đặt vấn đề có quà dành cho cô dâu, bố mẹ cô dâu, họ còn phải có một phần lễ cho ông cậu. Bao gồm: một mâm đồng, một nồi đồng loại 3, năm hạt mã não, một chiếc vòng tay bằng bạc trị giá bằng khoảng 8 đồng bạc cổ. Nếu cậu phật ý, đám cưới sẽ không được diễn ra. 
Đến ngày cưới, nhà trai phải mang những lễ vật đã hứa sang cho cậu. Nếu cậu bận, gia đình cậu không tham dự được, họ chỉ cần mang những lễ vật như đã nói. Nhưng, nếu cậu có mặt, nhà trai phải lo thêm con heo để biếu cậu.
“Con heo có vòng bụng khoảng 3 gang tay thôi. Nếu cậu không đi được mình lấy một miếng vai cho ông cậu. Khi đám cưới về, bên nhà gái họ phải đến nhà cậu. Họ đem luôn bả vai heo này và trình bày đem luôn cả đồ lễ vật đó cho cậu. Nhưng nếu cậu đi được thì mình lo cả con”. 
Con heo biếu cậu mà ông Kray Sức nói vòng bụng có đường kính 3 gang tay, tương đương 30 cân hơi. Đó là thịnh tình nhà trai dành cho cậu. Đến khi sinh con, nếu đứa trẻ là con gái, ông cậu sẽ có trách nhiệm với “hồn”, “vía” của đứa trẻ này suốt đời. 
Theo quan niệm của người Pa cô, con người có thể xác và “hồn”, “vía”. Và khi sinh ra, “hồn”, “vía” mỗi bé gái sẽ được một vị thần bản mệnh che chở. Vị thần này trú ngự nơi chiếc bát treo ở nhà cậu. 
“Khi sinh đứa trẻ sinh ra, họ đặt tên, rồi bắt đầu treo cái bát ở xà ngang nhà cậu. Đó là cho cái thần bổn mạng của người này trú ngụ trong cái bát đó. Khi người ta cúng khấn cái gì là người ta tới cái bát đó cúng. Mà khi đi về nhà chồng thì chỉ cái mạng sống về nhà chồng thôi. Còn cái vía còn đang còn đó. Bất cứ cái gì mà nhà trai mình cúng bái liên quan đến con của họ thì ông cậu phải có mặt. Nếu mình tự ý làm, đời thường của cậu trách móc về tình cảm. Về tâm linh, như thế là mình làm trộm, sẽ không được hiệu nghiệm”.

Đồng bào Pa cô ở Tà Rụt trong lễ hội truyền thống. Ảnh: dantri.com.vn

5 cấp độ cúng thần bản mệnh
Cuộc đời người phụ nữ từ khi sinh ra, lớn lên, lập gia đình, dù không sinh sống ở nhà mẹ đẻ nhưng “vía” của họ vẫn tồn tại nơi chiếc bát do ông cậu cai quản. Điều đó liên quan đến tục thờ hồn sống của người Pa cô. Người Pa cô cho rằng, tất cả nữ giới đều được một vị thần bảo vệ “hồn”, “vía” của mình đó là thần bổn mạng. Có như vậy, cuộc sống mới an lành, không ốm đau.
“Đồng bào Pa cô mình thờ thần bổn mạng – thờ hồn sống. Rất quan trọng. Khi mạng sống mình vi phạm ví dụ quan hệ trai gái, bất chính thì mình phải tẩy rửa, trình bày, tạ lỗi với vía. Mà nếu mình không làm cái lễ này, cái vía bỏ thân xác mình đi xa là mình sẽ chết. Các cái hồn trú ngụ ở cái bát đó họ treo lên trên cái xà ngang của nhà sàn, nơi trang trọng nhất, nơi ít ai đụng. Hàng năm tới tết nhất họ mới đưa bát mâm lễ cúng nhỏ ví dụ xôi, trứng gà… Họ vẫn kêu gọi cái hồn sống đó xuống ăn”. 
Cũng xuất phát từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh nên người Pa cô ở Đakrông, Quảng Trị có tục thờ thần bổn mạng này. Ông Kray Sức nói, trong tập tục của đồng bào Pa cô, người phụ nữ mỗi khi có chuyện chẳng lành, hoặc ốm đau, người ta sẽ sang nhà cậu cúng báo với thần bổn mạng. 
“Bát hồn sống của phụ nữ là đang còn ở nhà cậu. Cho dù 20 năm, 30 năm già cả đi nhưng bên nhà trai không có nhu cầu đem cái bát đó về nhà mình nó vẫn nằm ở nhà cậu. Khi có nhu cầu mang cái bát này về nhà trai do ốm đau thì thực hiện lễ mang bát đi thôi. Tuy vợ tôi năm nay cũng gần 60 rồi nhưng mà cái bát vẫn đang còn ở nhà cậu. Bởi vì cái vía chưa đòi hỏi”. 
Đồng bào Pa cô quan niệm: tùy vào cấp độ của sự việc, tùy vào sự đòi hỏi của “vía” mà người Pa cô thực hiện những nghi thức khác nhau. Theo đó, người phụ nữ có 5 cấp độ cúng thần bổn mạng với những lễ vật riêng. 
Ở cấp độ đầu tiên, cấp độ thấp nhất, nếu người phụ nữ phải đón chiếc bát đựng hồn sống của mình từ nhà cậu về nhà chồng, họ phải chuẩn bị một con gà, một con heo làm lễ giao nhận từ ông cậu.
“Ông cậu phải đem cái bát đó, đọc tên của người phụ nữ đó rồi bắt đầu mang sang nhà trai bỏ đó. Ui chà, cái này cũng khá hay đấy. Bên nhà cậu ngày xưa người ta hơi thách một chút, bây giờ bỏ thách rồi. Bây giờ mà ốm đau, trách nhiệm bên cậu cũng rất nặng. Ví dụ, bên cậu phải lo các lễ, cơm, gạo, áo, tiền, gà, heo, dê… các thứ hiến tế. Còn bên mình, nếu muốn làm một nghi thức lễ gì đấy liên quan đến nhà cậu mình phải chuẩn bị tiền bạc tương ứng với những gì mà cậu lo. Ví dụ cái cấp độ của nó ít thôi nhưng bên nội cũng khá mà bên cậu cũng khá thì người ta có thể mời anh, em, bạn bè tương đối là đông. Hai ngày, một đêm đó ăn uống say sưa mà hát ca vui lắm. Cái đó còn tùy theo kinh tế nữa”. 
Chiếc bát có thần bản mệnh khi được đón về nhà chồng, người ta sẽ treo thờ cúng nơi xà nhà. Theo thời gian, tùy vào mong muốn, đòi hỏi của phần vía mà người đó phải cúng lại lần hai có tên ruông rộ, hoặc lần 3 tức ruông cơa, hay lần 4 tức ruông pin và cuối cùng cúng lần 5 – cấp độ cao nhất là hinh
“Đã là ruông rộ phải có thầy cúng, phải có cái váy thổ cẩm của đồng bào mình đấy. Bên cậu lo, bên cậu đem đi. Gạo, gà cậu mang đi. Cấp độ 1, thứ 2 là ông cậu lo. Nhưng cấp độ thứ 3 và đến thứ 5 là mình tự lo. Nhà cậu đến chứng kiến thôi. Nếu ruông rộ mình cúng 1 đêm, 1 ngày, ruông cơa mình phải cúng 2 ngày, 1 đêm. Ruông pin là mình phải cúng tới 2 đêm, 2 ngày và đến hinh. Ôi chao ôi là cả làng ăn uống no say. Hinh là cấp độ cao nhất, trọn vẹn nhất của đời người phụ nữ. Phải ăn trâu đấy”.
Nét độc đáo trong nghi lễ cúng thờ thần bổn mạng này là người Pa cô sẽ dùng chiếc vòng tay của người sống đem vào lễ cúng gắn thần bổn mạng vào đó, rồi đặt vào bàn thờ hồn sống. 
Mỗi cấp độ cúng là một bàn thờ trang trọng khác nhau. Cấp đột thấp là một ống tre đan giống hình chiếc loa có gắn những dây tua xung quanh, treo dưới xà nhà. Cấp độ ruông pin họ đóng khung gỗ có 4 cạnh tô sơn, tô hoa văn. Cấp độ hinh to hơn, cao hơn có bà thờ gỗ hình chữ nhật trên trên xà ngang. Bàn thờ này sẽ chứa đựng, bảo trợ tất cả “hồn”, “vía” của gia đình trong đó.

Thu Cúc/VOV4






HH BTCT + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC