Ông cậu người Chu ru làm việc theo nhiệm kỳ
Thứ ba, 10:37, 08/06/2021 HH BTCT + 1 ảnh HH BTCT + 1 ảnh
VOV4.VN - Với người Chu ru, ông cậu có vai vế lớn trong gia đình, dòng họ. Từ việc cưới xin, ma chay, tranh chấp, kiện tụng... ông cậu đều một tay lo liệu, giải quyết, phân xử.

Ông cậu lớn hơn cả bố mẹ
"Có việc gì cũng phải bàn tới ông. Em gái hoặc chị gái của ông bán đi gia tài phải được ông thống nhất cho bán. Bây giờ như bà chị bán đất phải qua tôi hỏi bán được không. Tôi không cho bán là không được bán. Cái gì tôi quyết bảo không được là không được. Bởi vậy ông cậu lớn hơn cả bố, cha mẹ". - Ông Ya Thung, người Chu ru ở thôn Ma Am, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng nói.

Dù ông cậu là em của chị gái, em của anh trai, nhưng mọi quyền hành trong gia đình, dòng tộc đều do ông cậu quyết định, lo liệu. Mâu thuẫn lớn nhỏ đều do ông dàn xếp, phân xử. Không có ông cậu, mọi việc sẽ không thành. Ông cậu này cũng chính là tộc trưởng của dòng họ.
"Trong lên nhà mới khi mình tổ chức cúng tất nhiên phải mời bà con hàng xóm. Thế rồi ý 2 vợ chồng muốn mời ai đây. Dĩ nhiên là phải cậu rồi. Cậu là lớn nhất. Nếu không có cậu thì bố mẹ".

Với người Chu ru, phụ nữ là gốc của gia đình

Tuy nhiên, có phải người em trai nào cũng được giữ vai trò tộc trưởng quyền uy như thế? Câu chuyện từ chính gia đình ông Ya Thung sẽ giúp bạn hiểu phần nào về ông cậu của người Chu ru.

"Anh em tôi đông lắm. Nhưng không có tôi là gia đình không được. Như anh tôi cũng không dám quyết, phải chờ tôi đồng ý. Mình được mọi người trong tộc họ mình bầu lên. Thấy điều kiện của anh này được, em này được, thế lúc bấy giờ người ta mới tổ chức bầu. Nó có nhiệm kỳ đàng hoàng, 5 năm, 10 năm. Bởi vậy mới nói làm đại diện, có dễ đâu. Nếu làm không tốt nữa, gia đình không hoà thuận. Anh nói chuyện chẳng đâu vào đâu thì năm sau bầu ông khác. Không cần người lớn người nhỏ. Miễn sao người đó có điều kiện, uy tín. Ví dụ nhà tôi có 7 anh em trai. Sau này tôi làm không tốt thì anh em phải bầu người khác. Mà ông đó phải làm tốt hơn tôi chứ làm bằng tôi là không được đâu nhé. Cái đó là quy luật. Buộc anh phải làm tốt". - Ông Ya Thung cười.

Cứ nghe ông Ya Thung nói, việc đảm nhiệm vai trò của ông cậu cũng chẳng dễ dàng. Và để đảm đương được ở vị trí này, ông phải là người có uy tín, luôn làm gương cho con cháu nói theo và phải chí công vô tư, am hiểu phong tục tập quán.
"Công việc chính của mình là phải gương mẫu, làm tốt nhiệm vụ trưởng tộc. Quản lý tất cả con cháu. Nói cách khác là giáo dục không để ai sai phạm kể cả chuyện nhỏ nhất. Nếu mình không làm tốt việc này người ta phản đối. Khi người ta phản đối, không đồng tình với mình thì coi như công việc mình không làm được buộc mình phải nghỉ. Ví dụ, chị em con cháu trong nhà cãi lộn, đánh nhau rồi có tranh chấp về gia tài hay sứt mẻ tình cảm vợ chồng, phải kêu mình là người đầu tiên đến để giải quyết. Chứ không gọi bố mẹ. Hai bên ngồi đó khai giống mình làm toà án đó. Mình xem xét sai chỗ nào chỉ chỗ đó. Do đó làm tộc trưởng không phải dễ. Phải vừa nói trên phong tục của mình nhưng cũng áp dụng trên pháp luật. Tôi áp dụng phong tục dân tộc giải quyết nhiều người không dám nói đâu". 

Trai gái Chu ru duyên dáng trong điệu múa dân gian. Ảnh: khai thác Internet

Phụ nữ là gốc của gia đình
Với dòng họ, ông cậu là người có địa vị cao nhất, còn trong gia đình, phụ nữ lại là người làm chủ. Bởi, người Chu ru theo chế độ mẫu hệ. Với họ, phụ nữ chính là gốc của gia đình.
Luật tục của người Chu ru có câu: con gái là nguyên gốc của gia đình hoặc con gái giữ của ở nhà, con trai ở xa, đi qua nhà người ta. Người chu ru quan niệm con gái là người duy trì phát triển nòi giống và giữ gìn tài sản của gia đình.
TS Võ Tuấn Tú, Trường ĐH Đà Lạt, người có nhiều công trình nghiên cứu về người Chu ru cho biết, trong đại gia đình mẫu hệ người Chu ru, người đàn bà cao tuổi nhất, thuộc thế hệ đầu tiên đóng vai trò chủ nhà.
"Bà là người có quyền lực cao nhất trong gia đình. Mọi của cải tài sản trong địa gia đình cho bà quản lý. Bà cũng chính là người chỉ đạo thành viên tổ chức sản xuất tạo nên sự no đủ giàu có cho gia đình của mình. Những thành viên nữ còn lại trong gia đình thường là con gái của bà chủ nhà. Lớn lên họ lấy chồng về sống trong một căn buồng được dành riêng cho mình trên nhà sàn dài". 
Cũng vì theo chế độ mẫu hệ, những cô gái Chu ru có quyền được “bắt chồng”, chàng trai Chu ru phải ở rể. Khi đôi vợ chồng mới cưới nhau họ cùng chung sống với đại gia đình nhà gái trong chiếc nhà dài. Mọi tài sản họ làm ra đều thuộc đại gia đình do bà chủ nhà quản lý. Khi được phép của bà chủ nhà, họ mới có tích lũy riêng để làm vốn sau này.
Theo cách giải thích của người Chu ru, thời gian ở chung để vợ chồng trẻ có chỗ dựa về vật chất và tinh thần, tạo dựng cơ sở vật chất cần thiết chuẩn bị cho cuộc sống độc lập sau này. Thời gian ở chung cũng là để cho bố mẹ thử thách đôi vợ chồng trẻ. Trước hết là thử thách chàng rể về mức độ chăm chỉ khả năng tính toán làm ăn. Khi cặp vợ chồng người chị có con cái, tích luỹ đủ tài sản cần thiết cho cuộc sống độc lập; đồng thời người em đã cưới chồng về sinh sống thì vợ chồng người chị sẽ tách ra ở riêng.

Vợ chồng người con gái cả, con gái thứ được bố mẹ cho những mảnh đất trong khuôn viên vườn để làm nhà riêng. Điều này thể hiện tâm lý thích sống gần, quây quần của người Chu ru. Mặt khác sống gần cũng tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Riêng con gái út sẽ ở lại nhà cha mẹ. Chăm sóc và phụ trách tang ma khi cha mẹ qua đời. 
Luật tục Chu ru quy định, nếu như bà chủ nhà chết, mọi tài sản, con cái sẽ do em gái bà quản lý, người chồng phải quay về nhà mẹ đẻ của mình mà không được mang bất kỳ tài sản nào.
"Luật tục chu ru có câu: vợ chết phải đi khỏi nhà vợ, con cái để nhà vợ nuôi, chồng chết phải làm lễ chôn chồng. Người Chu ru cũng có câu luật tục so sánh hoàn cảnh mất cha mất mẹ, vợ chết như nhà cháy, chồng chết như diều hâu bắt gà con. Hàm ý vợ chết là gia đình tan nát nhưng chồng chết gia đình vẫn còn. Người đàn ông chu ru là lao động chính trong gia đình. Họ là lao động chính làm ra của cải cho nhà vợ. Nếu lười biếng thì bị trả về gia đình và phải có trách nhiệm bồi thường lại cho gia đình vợ những tổn phí trong hôn lễ. Họ cũng được sử dụng tài sản cho mình làm ra nhưng tuyệt đối không được mang về nhà mẹ hay chị em gái của mình". - TS Võ Tuấn Tú nói.
Ông Ya Thung dẫn chứng từ chính câu chuyện của gia đình mình: "Phong tục ở đây thời xưa tôi làm có giỏi đến đâu không biết. Bà chết mấy đứa nhỏ đuổi tôi đi về. Vậy thôi. Phải về với bố mẹ anh chị em bên đẻ mình. Còn con cái ở đây, ví dụ bà có đứa em giao cho cô đó quản hết cái này. Tôi được bao nhiêu hay bấy nhiêu về. Tôi đấu tranh cái này. Trong đó tôi làm trước. Không cho bố vợ đi về. Ở lại với tôi. Tôi đặt vấn đề. Con gái bố lớn lên tôi hỏi bố ai đẻ ra. Mà cái nhà ai làm có phải bố làm không. Bố về bên kia bố để được gì cho gia đình bên đó. Tốt nhất ở lại với tôi. Tôi bảo đảm nuôi bố đàng hoàng. Tôi không phân biệt đâu. Bố vợ như bố đẻ. Con rể như con đẻ. Mình làm để cho mọi người khác cùng theo. Phong tục nó không tốt đẹp thì buộc phải xoá đi".
Tới đây hẳn bạn sẽ nghĩ người đàn ông Chu ru thật thiệt thòi. Tuy nhiên, ông Ya Thung chia sẻ: ở rể là một quyền lợi lớn lao.
"Làm rể không phải xấu đâu mà là một quyền lợi cao cả. Tuy ở rể nhưng được quyền. Gia tài của bà này có bao nhiêu tôi được quản hết nhưng không được bán. Tôi được hưởng nhưng không được bán bởi vì mẫu hệ. Còn đất đai, gia tài nhà của bà".

Thu Cúc/VOV4


 
HH BTCT + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC